Thế giới ghi nhận gần 148,5 triệu ca nhiễm Covid-19

NDO -

Theo số liệu trang Worldometers.info, tính đến 9 giờ ngày 27-4 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận hơn 148,47 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 126,57 triệu ca đã hồi phục và hơn 3,1 triệu ca tử vong. Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận hơn 671 nghìn ca nhiễm Covid-19, số ca tử vong ở mức hơn 10.700 ca.

(Ảnh minh hoạ: Reuters)
(Ảnh minh hoạ: Reuters)

Theo quốc gia, Mỹ vẫn là nước dẫn đầu về số ca nhiễm Covid-19 trên thế giới với hơn 32,87 triệu ca nhiễm. Trong vòng 24 giờ đất nước thuộc châu Mỹ ghi nhận hơn 47 nghìn ca nhiễm và 455 ca tử vong.

Tâm điểm dịch vẫn là Ấn Độ, với số ca nhiễm mới trong 24 giờ liên tiếp ghi nhận ở mức rất cao - hơn 319 nghìn ca tính đến 9 giờ cùng ngày chiếm hơn 47,5% tổng số ca mắc mới trên toàn thế giới. Hiện quốc gia Nam Á này ghi nhận tổng số ca mắc Covid-19 ở mức hơn 17,6 triệu ca, đứng thứ hai thế giới về tổng số ca nhiễm.

Theo TTXVN, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 26-4 tuyên bố tình hình Ấn Độ là "vô cùng thương tâm" và WHO sẽ triển khai thêm nhân viên và hàng tiếp tế cho Ấn Độ để trợ giúp chiến đấu chống đại dịch.

Phát biểu họp báo, Tổng Giám đốc WHO nêu rõ: "WHO đang làm mọi điều trong khả năng của mình, cung cấp thiết bị quan trọng cũng như hàng tiếp tế, trong đó có hàng nghìn máy tạo oxy, bệnh viện dã chiến di động được lắp đặt sẵn cũng như vật tư phòng thí nghiệm."

Ngoài ra, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết đã cử hơn 2.600 nhân viên từ các chương trình khác của WHO tới hỗ trợ Ấn Độ chống đại dịch Covid-19.

Cùng ngày 26-4, Ấn Độ đã ra lệnh cho các lực lượng vũ trang hỗ trợ giải quyết tình trạng gia tăng số ca mắc Covid-19 mới đang ngập tràn các bệnh viện giữa lúc nhiều quốc gia, trong đó có Anh, Đức và Mỹ, cam kết cung cấp viện trợ y tế khẩn cấp cho nước này.

Trong khi đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden để thảo luận chi tiết về tình hình Covid-19 tại mỗi quốc gia.

Trong cuộc điện đàm, ông Biden đã cam kết hỗ trợ khẩn cấp cho Ấn Độ trong bối cảnh quốc gia châu Á đang trải qua giai đoạn dịch bệnh tồi tệ nhất từ trước tới nay, chủ yếu do các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh hơn khiến số ca mắc mới tăng mạnh.

Nhà Trắng cho hay, trong cuộc điện đàm, Tổng thống Biden khẳng định Washington quyết tâm hỗ trợ New Delhi ứng phó với làn sóng dịch bệnh Covid-19 mới đang bùng phát mạnh tại Ấn Độ.

Mỹ sẽ cung cấp tất cả sự hỗ trợ, trong đó có việc chuyển khẩn cấp các vật tư và thiết bị y tế cần thiết để giúp Ấn Độ chống dịch.

Cùng ngày, Thủ tướng Ấn Độ Modi khẳng định trên mạng xã hội Twitter rằng ông đã có cuộc trao đổi hiệu quả với Tổng thống Biden, đồng thời bày tỏ cảm ơn nhà lãnh đạo Mỹ về sự hỗ trợ mà Washington dành cho New Delhi.

Trong cuộc điện đàm, hai bên cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của chuỗi cung ứng nguyên liệu vaccine, dược phẩm hiệu quả và thông suốt, khẳng định quan hệ đối tác y tế Ấn Độ-Mỹ có thể giúp giải quyết các thách thức toàn cầu do Covid-19 gây ra.

Đứng thứ 3, 4 và 5 về số ca mắc Covid-19 là Brazil, Pháp và Nga với số ca nhiễm ghi nhận lần lượt ở mức hơn 14,37 triệu, hơn 5,50 triệu ca nhiễm và hơn 4,77 triệu ca nhiễm.

Theo khu vực, châu Âu ghi nhận tổng số ca nhiễm đứng đầu thế giới với hơn 43,99 triệu ca mắc và 1.000.928 ca đã tử vong. Tiếp đến là Bắc Mỹ với hơn 38,02 triệu người mắc Covid-19, trong đó có 856.283 ca đã tử vong. Xếp thứ 3 là châu Á với hơn 37,48 triệu ca nhiễm và 499.951 ca tử vong.

Còn tại khu vực Đông Nam Á, ngày 26-4, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được cho là khiến các ca lây nhiễm gia tăng đột biến tại Ấn Độ đã được phát hiện tại Indonesia.

Phát biểu họp báo trực tuyến, ông Budi nêu rõ: “Biến thể virus mới được cho là nguyên nhân hàng đầu khiến số ca bệnh tại Ấn Độ tăng cao đã xâm nhập vào Indonesia và lây nhiễm cho 10 người.”

Có hai biến thể mới được cho là khiến các ca mắc Covid-19  tăng đột biến tại Ấn Độ, cụ thể là B117 và B1617. Tuy nhiên, ông Budi không tiết lộ thêm chi tiết về biến thể đã lây nhiễm cho 10 người nói trên.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Y tế về chương trình tiêm chủng ngừa Covid-19, bà Siti Nadia Tarmizi cho hay biến thể virus mà ông Budi đề cập là B117 và được phát hiện tại Indonesia vào ngày 25-4.

Theo ông Budi, sáu trong số 10 người nhiễm biến thể từ Ấn Độ là các ca nhập cảnh, trong khi số còn lại là các ca lây nhiễm nội địa tại các tỉnh Sumatra, Tây Java và Nam Kalimantan.

Nguy cơ làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ tư

Dưới đây là thống kê của Worldometers.info về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, tính đến 9 giờ ngày 27-4 (giờ Việt Nam):

5 quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:

1. Mỹ: 32.875.045 ca mắc, 586.611 ca tử vong

2. Ấn Độ: 17.625.735 ca mắc, 197.880 ca tử vong

3. Brazil: 14.370.456 ca mắc, 392.204 ca tử vong

4. Pháp: 5.503.996 ca mắc, 103.256 ca tử vong

5. Nga: 4.771.372 ca mắc, 108.588 ca tử vong

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia ASEAN:

1. Indonesia: 1.674.138 ca mắc, 44.770 ca tử vong

2. Philippines: 1.006.428 ca mắc, 16.853 ca tử vong

3. Malaysia: 395.718 ca mắc, 1.449 ca tử vong

4. Myanmar: 142.722 ca mắc, 3.207 ca tử vong

5. Singapore: 61.051 ca mắc, 30 ca tử vong

6. Thái Lan: 57.508 ca mắc, 148 ca tử vong

7. Campuchia: 10.555 ca mắc, 79 ca tử vong

8. Việt Nam: 2.852 ca mắc, 35 ca tử vong

9. Lào: 436 ca mắc

10. Brunei: 223 ca mắc, 03 ca tử vong

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:

1. Châu Âu: 43.998.883 ca mắc, 1.000.928 ca tử vong

2. Bắc Mỹ: 38.029.346 ca mắc, 856.283 ca tử vong

3. Châu Á: 37.483.942  ca mắc, 499.951 ca tử vong

4. Nam Mỹ: 24.343.792 ca mắc, 654.230 ca tử vong

5. Châu Phi: 4.551.934 ca mắc, 120.738 ca tử vong

6. Châu Đại Dương: 62.571 ca mắc, 1.190 ca tử vong