Thành công của Việt Nam và tinh thần đoàn kết cùng chống dịch Covid-19

NDO -

NDĐT - Ngày 10-5, tờ L'Humanité đăng bài viết của hai ông Jean-Pierre Archambault và Paul Fromonteil thuộc Hội Hữu nghị Pháp - Việt (AAFV), nói về chiến lược chống dịch hiệu quả của Việt Nam. Qua giai đoạn thách thức nhất, Việt Nam đã thể hiện tinh thần đoàn kết với Pháp và các nước khác trong nỗ lực chung chống dịch bệnh Covid-19.

Thành công của Việt Nam và tinh thần đoàn kết cùng chống dịch Covid-19

Mở đầu bài viết đăng trên báo L'Humanité (Nhân đạo) của Đảng Cộng sản Pháp có tiêu đề "Việt Nam đối mặt dịch bệnh: Một chiến lược hiệu quả," ông Jean-Pierre Archambault, Tổng thư ký AAFV và ông Paul Fromonteil, Phó Chủ tịch AAFV phụ trách hợp tác phi tập trung, cho biết Việt Nam đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá cao về chiến lược hiệu quả trong việc khống chế đại dịch Covid-19. Kết quả ấn tượng của Việt Nam đã được báo chí Pháp nói đến rất nhiều trong những ngày qua, với các bài viết: chìa khóa thành công của Việt Nam, phép màu Việt Nam, thành công tự hào của Việt Nam chống dịch Covid-19, Việt Nam - đất nước không để xảy ra ca tử vong nào hay bí quyết của Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam được coi là thí dụ điển hình khi triển khai chiến lược hiệu quả chống dịch bệnh.

Hai tác giả khẳng định rằng, thông tin do Việt Nam công bố rất minh bạch, được Đại học John Hopkins (Mỹ) coi là đáng tin cậy trên toàn cầu. Các nhà nghiên cứu về địa chính trị cũng như y tế ở Pháp cũng xác nhận rằng, diễn biến ở các bệnh viện tại Việt Nam trong thời gian vừa qua là bằng chứng cụ thể về số người mắc bệnh và nhập viện. Báo chí và mạng xã hội được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam đã đưa tin cập nhật liên tục về tình hình ở mọi nơi, nên không có cơ sở nào để nói rằng Việt Nam không công bố đúng tình hình thực tế.

Một trong những nước có kết quả tốt nhất trên thế giới

Là những người theo dõi rất sát sao tình hình Việt Nam, hai ông Jean-Pierre Archambault và Paul Fromonteil cho rằng, Nhà nước Việt Nam đã xác định ngay chiến lược phòng dịch ngay từ giai đoạn đầu. Có chung biên giới với Trung Quốc, nơi có dịch Covid-19 bùng phát, Việt Nam đã huy động cả hệ thống chính trị để chống dịch cùng với sự hưởng ứng tích cực của người dân.

Việt Nam có nhiều kinh nghiệm ứng phó dịch bệnh từ cuộc khủng hoảng dịch SARS năm 2003, rồi tới cúm gia cầm. Chính vì vậy, người dân Việt Nam đã nhận thức rõ sự nguy hiểm của dịch bệnh, đồng lòng chung sức như ra trận đánh giặc.

Ba bước chống dịch thành công của Việt Nam là: dự đoán tình hình, phát hiện và cách ly. Ngay từ khi có dấu hiệu đầu tiên về nguy cơ lây lan của virus corona chủng mới, Chính phủ Việt Nam đã xây dựng phương án ứng phó. Thực tế đúng như vậy. Việt Nam đã sớm đưa ra đánh giá nguy cơ từ đầu tháng 1-2020, ngay sau khi Trung Quốc công bố về sự xuất hiện của các trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên. Biện pháp ứng phó được triển khai kịp thời, đóng cửa biên giới với Trung Quốc từ ngày 1-2 và tiếp đó là đóng cửa trường học sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán.

Việt Nam đã thực hiện chiến lược xác định và xét nghiệm những người có triệu chứng nhiễm bệnh, rồi đưa vào các cơ sở cách ly tập trung tất cả những người có tiếp xúc. Đây là một chiến lược rất chủ động nhằm tìm ra tất cả những người nhiễm bệnh và có nguy cơ, mang lại hiệu quả rất cao như trong đợt ứng phó dịch SARS trước đây.

Bên cạnh đó, Việt Nam triển khai ngay các biện pháp chống dịch khác như yêu cầu người dân đeo khẩu trang chống lây nhiễm, tăng cường sản xuất để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong giai đoạn có dịch. Các biện pháp chống lây nhiễm được phổ biến tới tất cả người dân để cùng thực hiện. Thành công trong cuộc chiến chống dịch ở Việt Nam là kết quả từ những biện pháp quyết liệt do chính quyền đưa ra và ý thức cũng như sự tham gia triệt để của người dân.

Và, Việt Nam không chỉ chống dịch thành công, bảo vệ sức khỏe cho người dân mà còn chuyển tặng khẩu trang cho các quốc gia khác, kể cả Pháp.

Triển vọng phát triển quan hệ Pháp và Việt Nam

Theo Jean-Pierre Archambault và Paul Fromonteil, tình hình bệnh dịch cũng như các giải pháp ở Pháp, Việt Nam hay Mỹ khác nhau. Những diễn biến trong thời gian vừa qua cho thấy, thế giới cần tìm ra những con đường khác cho sự phát triển của nhân loại dựa trên tinh thần hữu nghị và hợp tác giữa các dân tộc. Thí dụ Việt Nam minh chứng cho điều này. Phản ứng trên toàn cầu đối với đại dịch cần được xây dựng trên cách tiếp cận đa chiều, đồng thời tôn trọng bản sắc và lợi ích của mỗi dân tộc.

Hai ông Jean-Pierre Archambault và Paul Fromonteil đưa ra ý kiến: Đại dịch đã vượt qua biên giới và chỉ có sự hợp tác giữa các nước mới đem lại hiệu quả chống dịch. Kết quả chống dịch hiệu quả ở Việt Nam thu hút sự quan tâm của chúng tôi. Tình hình hiện nay đòi hỏi phải phát triển các mối quan hệ, không phải trên cơ sở của một nước phát triển như Pháp và một nước đang phát triển như Việt Nam, mà phải bảo đảm lợi ích chung và triển vọng cùng phát triển.

Tình hữu nghị và đoàn kết giữa hai nước đã dẫn tới việc thành lập Hội Hữu nghị Pháp-Việt và càng được củng cố, phát triển trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh hiện nay. Vì vậy, quan hệ Pháp - Việt có thể là một lĩnh vực điển hình để xây dựng các phản ứng chung và quan hệ hợp tác giữa các dân tộc và quốc gia.