Thâm hụt thương mại Mỹ lần đầu vượt 100 tỷ USD

Thâm hụt thương mại của Mỹ trong tháng 12/2021 đã tăng 3% lên mức cao kỷ lục 101 tỷ USD. Đây cũng là lần đầu tiên thâm hụt thương mại của nền kinh tế số một thế giới vượt 100 tỷ USD. Nhu cầu tăng mạnh và sự thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã khiến nhập khẩu hàng hóa tăng nhanh, vượt xa xuất khẩu, dẫn đến thâm hụt thương mại đạt mức cao nhất từ trước tới nay. 

Cảng Long Beach tại bang California, Mỹ, năm 2019. (Ảnh: Reuters)
Cảng Long Beach tại bang California, Mỹ, năm 2019. (Ảnh: Reuters)

Theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 26/1, trong tháng cuối cùng của năm 2021, nhập khẩu hàng hóa của Mỹ tăng 2% trong tháng thứ 5 liên tiếp, đạt 258,3 tỷ USD. Các mặt hàng nhập khẩu của Mỹ chủ yếu là nguyên liệu sản xuất, xe cơ giới và hàng tiêu dùng. Trong khi đó, xuất khẩu hàng hóa tăng 1,4% lên 157,3 tỷ USD, chủ yếu là các mặt hàng tiêu dùng, vật tư công nghiệp, xe cơ giới và nguyên liệu sản xuất.

Việc tiếp tục nhập khẩu để khôi phục lượng hàng tồn kho sẽ khiến thâm hụt thương mại hàng hóa ở Mỹ tiếp tục ở mức cao trong nửa đầu năm 2022. Tuy nhiên, việc lượng hàng tồn kho được bổ sung có thể giúp hạn chế bớt những ảnh hưởng tiêu cực đối với tăng trưởng GDP do thâm hụt thương mại lớn mang lại, khiến một số chuyên gia kinh tế nâng mức dự báo tăng trưởng GDP của nền kinh tế Mỹ. 

Các chuyên gia kinh tế của Công ty tài chính JPMorgan ở New York đã nâng dự báo tăng trưởng GDP quý IV/2021 của Mỹ từ 7% lên 7,5%. Công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit của Anh nâng dự báo thêm 1,3% lên mức 7,4%. 

Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ngày 26/1 ra thông cáo báo chí về việc quyết định giữ mức lãi suất ở mức gần bằng 0. Theo nhận định của FED, các chỉ số về hoạt động kinh tế và việc làm tiếp tục được củng cố. Các lĩnh vực bị ảnh hưởng bất lợi nhất bởi đại dịch đã được cải thiện trong những tháng gần đây, song lại đang phải đối mặt các đợt dịch mới. Tuy nhiên, sự mất cân bằng cung cầu liên quan đại dịch và sự mở cửa trở lại của nền kinh tế tiếp tục góp phần làm tăng mức độ lạm phát.