Tăng trưởng bất chấp đại dịch: Thước đo Nga – Việt

NDO -

Trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII, báo chí Nga dành khá nhiều thời lượng viết về đất nước, con người Việt Nam và sự kiện trọng đại này. Bài viết “Tăng trưởng bất chấp đại dịch: Thước đo Nga - Việt” của tác giả Ivan Bespechny, đăng trên tờ báo điện tử “Mùa xuân nước Nga” (Rusvesna) trong tuần này là một trong những bài viết như vậy. 

Giao diện bài viết về Việt Nam được đăng tải trên tờ “Mùa xuân nước Nga”. (Ảnh chụp màn hình)
Giao diện bài viết về Việt Nam được đăng tải trên tờ “Mùa xuân nước Nga”. (Ảnh chụp màn hình)

Mở đầu bài viết, tác giả Bespechny nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 năm 2020 đã tác động không nhỏ nền kinh tế nhiều quốc gia trên thế giới, với đa phần phải chấp nhận mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) âm. Điều này càng khiến mức tăng trưởng GDP 2,91% của Việt Nam trở nên nổi bật, trong số không quá 30 quốc gia đạt chỉ số tăng trưởng GDP dương. Kim ngạch thương mại của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2020 vừa qua cũng tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 490 tỷ USD. Thành tựu kinh tế này của Việt Nam tạo ấn tượng đặc biệt trong bối cảnh đại dịch kéo tụt chỉ số kinh tế của nhiều quốc gia. Tác giả Bespechny bày tỏ đặc biệt ấn tượng trước những thành tựu về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, phòng chống dịch bệnh, cũng như công tác triển khai đường lối đối ngoại của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.  

Tác giả cho biết, bất chấp đại dịch, hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và LB Nga trong năm qua cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Nga trong khối các nước ASEAN và lớn thứ năm trong số các nước thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Theo số liệu thống kê của Nga, kim ngạch thương mại giữa Nga và Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2020 tăng 11,5% và đạt 4,6 tỷ USD. 

Ở phần tiếp theo của bài viết, tác giả Bespechny khẳng định, dù chỉ số tăng trưởng GDP ở Việt Nam năm 2020 giảm nhiều so với chỉ số tăng trưởng đạt hơn 7% trong năm 2019, song đây vẫn là một con số đặc biệt ấn tượng, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng nền kinh tế của hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Trong lĩnh vực y tế, Việt Nam cũng đạt được những thành quả rất ấn tượng khi chỉ có trên 1.500 trường hợp nhiễm Covid-19 trong tổng số 100 triệu dân. Bên cạnh đó, số người thiệt mạng vì Covid-19 đến thời điểm này mới chỉ dừng lại ở con số 35 người, cho thấy nỗ lực không nhỏ của ngành y tế nói riêng và của Việt Nam nói chung. Tác giả khẳng định, chủ trương “chống dịch như chống giặc” mà Đảng và Nhà nước Việt Nam phát động ngay từ những ngày đầu chống dịch đã góp phần đem lại những thành quả đáng khâm phục. Các biện pháp mà chính quyền Việt Nam áp dụng trong “cuộc chiến” chống Covid-19 không chỉ kiên quyết, mạnh mẽ, mà còn hết sức công khai, minh bạch, đạt được sự đồng thuận và ủng hộ cao của người dân. Kết quả đó thật đáng để nhiều quốc gia phải học tập.

Đại hội lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội trong thời gian từ 25-1 đến 2-2, trong bối cảnh đất nước đạt được những thành quả thật đáng khích lệ nêu trên. Đại hội sẽ đánh giá việc thực hiện các nghị quyết của kỳ Đại hội trước diễn ra cách đây 5 năm. Trong khi đó, ngay từ hồi cuối tháng 8-2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết đăng trên Báo Nhân Dân, trong đó chỉ rõ tỷ lệ người nghèo ở Việt Nam trong năm 2020 vừa qua đã giảm đáng kể xuống dưới 3%, so với  mức 9,9% của năm 2016. Trong bài viết này, Nhà lãnh đạo Việt Nam nêu rõ mục tiêu đến năm 2025, xây dựng Việt Nam thành một đất nước đang phát triển với nền công nghiệp theo hướng hiện đại và thoát khỏi nhóm các nước có thu nhập bình quân thấp; đến năm 2030, cũng là dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản (3-2-1930 – 3-2-2030), Việt Nam đặt mục tiêu “trở thành nước đang phát triển, có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập của người dân ở mức trung bình cao” và vào năm 2045, đúng dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2-9-1945 - 2-9-2045), quốc gia Đông - Nam Á này “sẽ trở thành một quốc gia phát triển với mức thu nhập cao”.

Trong lĩnh vực đối ngoại, tác giả nhận định, Việt Nam đã gặt hái nhiều thành công. Trong năm qua, Việt Nam đã được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc giai đoạn 2020-2021 và là Chủ tịch ASEAN năm 2020. Vị thế của Việt Nam ngày càng gia tăng ở Đông Nam Á nói riêng và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung. Với vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã tổ chức tốt hoạt động của các cơ quan ASEAN theo hình thức trực tuyến, cũng như thúc đẩy ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Ở phần cuối bài viết, khi đề cập vấn đề Biển Đông, tác giả đánh giá cao chính sách đối ngoại yêu chuộng hoà bình của Việt Nam, tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp quốc tế, bao gồm cả Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển. Ông cũng bày tỏ niềm tin tưởng rằng Hà Nội sẽ duy trì chính sách giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, chính trị, pháp lý và ngoại giao, như đường hướng đã được vạch ra và thực hiện lâu nay. Tác giả đồng thời khẳng định niềm tin tưởng rằng LB Nga và Việt Nam, với cách tiếp cận tương đồng, sẽ góp phần vào việc củng cố hòa bình và ổn định trong khu vực.