Tăng cường quan hệ giữa Kazakhstan và Việt Nam

LTS - Ðoàn đại biểu Hạ viện Kazakhstan, do Chủ tịch Hạ viện N.Nigmatulin dẫn đầu, đang thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Nhân dịp này, Ðại sứ Kazakhstan tại Việt Nam Y.Baizhanov có bài viết nhận định về chuyến thăm và quan hệ hai nước. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Một góc thủ đô Nur-Sultan, Kazakhstan.
Một góc thủ đô Nur-Sultan, Kazakhstan.

Các cuộc tiếp xúc cấp cao thường xuyên phản ánh mức độ tin cậy chính trị giữa Kazakhstan và Việt Nam. Chỉ trong mùa thu này đã diễn ra chuyến thăm của các đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến thủ đô Nur-Sultan của Kazakhstan. Ðoàn đại biểu Ðảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư dẫn đầu, đã có chuyến thăm làm việc tại Kazakhstan. Ðoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội dẫn đầu, tham dự Hội nghị Chủ tịch Quốc hội các nước Á - Âu lần thứ tư (MSEAP 4). Hai nước cũng tiến hành cuộc họp lần thứ chín Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Kazakhstan về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật.

Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Hạ viện Kazakhstan N.Nigmatulin nhằm đáp lễ chuyến thăm chính thức Kazakhstan của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân năm 2017. Chuyến thăm lần này nhấn mạnh tầm quan trọng của chương trình nghị sự song phương. Về hợp tác giữa hai quốc hội, hai bên dự kiến trao đổi kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực lập pháp, có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hai nước đang tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế. Các chiến lược phát triển được áp dụng ở Việt Nam và Kazakhstan đã mang lại hiệu quả, đem lại tốc độ tăng trưởng kinh tế rực rỡ.

Hai bên cũng sẽ thảo luận về lĩnh vực chính trị quốc tế. Hai nước có sự tương đồng trong chính sách đối ngoại. Kazakhstan và Việt Nam đều tuyên bố các nguyên tắc đa phương hóa, cởi mở trong chính sách đối ngoại, phấn đấu đạt được các mối quan hệ bình đẳng, cùng có lợi. Hai nước không ngừng bảo vệ các chính sách vì hòa bình. Việt Nam ủng hộ các sáng kiến quốc tế của Kazakhstan về cấm thử hạt nhân và vũ khí hạt nhân. Việt Nam cũng tham gia các Hội nghị phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA) và Hội nghị các nhà lãnh đạo thế giới và tôn giáo truyền thống, được tổ chức theo sáng kiến của Tổng thống đầu tiên của Kazakhstan N.Nazarbayev. Các khuôn khổ đối thoại đa phương góp phần tăng cường ổn định, an ninh của khu vực và trên thế giới.

Chính sách cân bằng và có trách nhiệm của Việt Nam và Kazakhstan nhận được sự tin tưởng của nhiều nước và tạo cơ sở thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại với các đối tác nước ngoài. Triển khai Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) có hiệu lực từ năm 2016 đã góp phần thúc đẩy kim ngạch thương mại giữa hai nước tăng mạnh. Hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp cũng đạt được một số kết quả. Các công ty Việt Nam sản xuất hàng hóa tại Kazakhstan sẽ mở ra thị trường rộng lớn cho doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) và các nước trong khu vực. Hơn nữa, Kazakhstan cũng có môi trường đầu tư thuận lợi. Các lĩnh vực có triển vọng đầu tư ở Kazakhstan là ngành công nghiệp nhẹ như sản xuất quần áo, giày dép và công nghiệp thực phẩm. Ðây là những ngành mà doanh nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch Hạ viện N.Nigmatulin sẽ có buổi thuyết giảng cho sinh viên Trường đại học Hà Nội, trong đó giới thiệu về lịch sử của Kazakhstan, giúp giới trẻ Việt Nam hiểu hơn về đất nước Kazakhstan và nâng cao nhận thức về hội tụ các nền văn hóa.

Trong chương trình nghị sự về quan hệ Việt Nam - Kazakhstan, có nhiều chủ đề hợp tác triển vọng như mở các chuyến bay thẳng, tiến hành miễn thị thực, thiết lập liên hệ chặt chẽ giữa các đơn vị kinh doanh và trong lĩnh vực giáo dục, du lịch. Vì vậy, tôi tin tưởng rằng, các cuộc trao đổi giữa Hạ viện Kazakhstan và Quốc hội Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước.