Tại sao Covid-19 không rời khỏi Nga?

NDO -

Ngày 11-6, Nga ghi nhận 12.505 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 mới, trong đó thủ đô Moscow chiếm 5.853 trường hợp. Đây là con số cao nhất kể từ đầu năm nay. Trong khi đó, mặc dù Nga tự bào chế một số loại vaccine trong nước, nhưng không phải tất cả người Nga đều sẵn sàng tiêm chủng. 

Số ca nhiễm Covid-19 gia tăng đáng kể tại Moscow.
Số ca nhiễm Covid-19 gia tăng đáng kể tại Moscow.

Theo nhận định của giới chuyên gia, với tốc độ này, Nga cần ít nhất một năm để có thể đạt tỷ lệ 50% dân số được tiêm vaccine. Từ đây, đặt ra vấn đề Nga phải làm gì để có thể đạt được miễn dịch cộng đồng?

Phát biểu tại hội nghị bàn tròn với chủ đề “Thoát khỏi đại dịch - Tiêm chủng sẽ là giải pháp?”, bà Ekaterina Sokolova, người đứng đầu Phòng Nghiên cứu và Dự báo Chiến lược Nga (EISS) cho rằng: “Tỷ lệ nhiễm Covid-19 đang gia tăng trở lại. Trong khi có khoảng 141.000 người được tiêm chủng mỗi ngày. Với tốc độ này, Nga sẽ phải mất hơn một năm để tiêm phòng cho 50% dân số cả nước”, trong khi “hiện nay nhiều người vẫn tiếp tục bỏ qua các biện pháp phòng ngừa, cũng như không nhận thức đầy đủ sự cần thiết phải tiêm phòng, bởi vậy vẫn có những đợt bùng phát định kỳ dịch Covid-19” tại Nga.

Vốn là quốc gia đầu tiên trên thế giới bào chế được vaccine ngừa Covid-19, song hiện Nga chỉ đứng ở vị trí thứ 81 trên thế giới về tỷ lệ dân số được tiêm chủng. Đây là sự tụt hậu đáng kể. Nếu tình trạng này không được cải thiện, Nga khó lòng có thể được coi là đã khống chế đại dịch. 

Trong khi đó, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Dịch tễ Trung ương thuộc Rospotrebnadzor, ông Alexander Gorelov cho biết: “Việc sản xuất vaccine tại Nga đủ để đáp ứng mọi nhu cầu và có thể tạo bước nhảy vọt hướng tới miễn dịch cộng đồng, tuy nhiên người dân có đi tiêm chủng hay không lại là câu chuyện khác”.

Theo nhà khoa học Gorelov, có ba nguyên nhân khiến người Nga không mặn mà tiêm chủng. Trước hết, nước này không chú trọng tuyên truyền đúng mực về nguy cơ của đại dịch. Thứ nhì là nhận thức của chính nhân viên y tế cũng không đầy đủ, xem nhẹ các căn bệnh truyền nhiễm khi mà trong suốt năm năm đào tạo đại học, sinh viên ngành y chỉ có năm giờ học nghiên cứu các căn bệnh truyền nhiễm, trong khi các bệnh truyền nhiễm ở trẻ em đã hoàn toàn bị cắt bỏ. Sau cùng là không ít người dân tin vào thông tin giả mạo tràn lan trên mạng, thậm chí nhiều nhà báo cũng bị nhầm lẫn và khai thác những thông tin này.

Ngoài ra, không ít người Nga còn hoài nghi cho rằng vaccine chưa được nghiên cứu đầy đủ, chúng vẫn cần thêm thời gian thử nghiệm. Một số khác lo ngại tác dụng phụ và hậu quả của việc tiêm chủng, trong khi có những người mất lòng tin vào hệ thống y tế.     

Giới chuyên môn Nga cũng cảnh báo một thực tế nguy hiểm, đó là có không ít người Nga lầm tưởng rằng Covid-19 không nguy hiểm, mà chỉ giống như một loại cúm thông thường. Trong khi Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Y tế Quốc gia Nga, ông Vladimir Chulanov cho biết “trong hơn một năm qua, chúng tôi phát hiện rằng nhiễm Covid-19 là căn bệnh rất nguy hiểm cả trong và sau khi mắc phải. Thực tế cho thấy tỷ lệ tử vong cao hơn đáng kể so với các bệnh truyền nhiễm khác thuộc nhóm viêm đường hô hấp cấp tính. Khả năng gây chết người của căn này cao gấp hàng chục lần trong khi hậu quả căn bệnh gây ra cũng rất nghiêm trọng”.

Ông Chulanov nhấn mạnh: “Covid-19 có thể dẫn đến tổn thương các mạch máu nhỏ, gây ảnh hưởng các cơ quan nội tạng. Nhiều bệnh nhân đã được chữa khỏi Covid-19, song lại gặp các vấn đề về tim mạch, thần kinh…”

Một lầm tưởng chết người khác là cho rằng việc tiêm phòng một lần sẽ bảo đảm gần như suốt đời không bị nhiễm bệnh Covid-19. Thực tế hoàn toàn không phải như vậy. Nhiều người vẫn nhiễm bệnh ngay cả sau khi tiêm vaccine, do đó tuân thủ các nguyên tắc an toàn vệ sinh dịch tễ, đeo khẩu trang đúng cách là nguyên tắc cần tuân thủ.