Số ca mắc Covid-19 vẫn tăng mạnh tại châu Á

NDO -

Trong hơn 423 nghìn ca mắc Covid-19 được Worldometers ghi nhận ngày 6/7, châu Á chiếm tới 163.338 ca. Trong đó Ấn Độ có thêm 43.957 ca mắc, Indonesia ghi nhận 31.189 trường hợp.

Người dân Jakarta, Indonesia xếp hàng chờ bơm đầy bình chứa oxy. (Ảnh: AP)
Người dân Jakarta, Indonesia xếp hàng chờ bơm đầy bình chứa oxy. (Ảnh: AP)

Theo thống kê của Worldometers, trong ngày qua, thế giới ghi nhận 423.544 ca mắc mới và 7.898 ca tử vong do Covid-19. Dẫn đầu về cả hai số liệu này là Brazil, với 62.504 ca mắc mới và 1.787. Ấn Độ xếp thứ hai với 43.957 ca mắc mới và 930 ca tử vong. Indonesia cũng lọt tốp các nước có số ca mắc và tử vong tăng nhanh (31.189 ca mắc mới và 728 ca tử vong). Nhiều khu vực tại quốc gia Đông Nam Á này đang bị thiếu nguồn cung oxy y tế do số trường hợp mắc Covid-19 thể nặng tăng mạnh.

Tại châu Á, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 6/7 cho biết nước này đã ghi nhận thêm 325 ca mắc bốn biến thể chính của virus SARS-CoV-2, trong đó có 153 ca nhiễm biến thể Delta. Hiện tổng số ca nhiễm các biến thể ở Hàn Quốc đã lên tới 2.817 ca, trong đó số ca nhiễm biến thể Delta là 416 ca. 

Theo KDCA, số ca nhiễm biến thể mới gia tăng trong những ngày gần đây khiến Hàn Quốc đứng trước nguy cơ bùng phát đợt dịch mới. 

Tính đến thời điểm hiện tại, Hàn Quốc đã hoàn tất tiêm mũi đầu tiên vaccine ngừa Covid-19 cho tổng cộng 15,4 triệu người, tương đương 30% dân số, trong khi 5,32 triệu người đã được tiêm chủng đầy đủ, chiếm 10,5% dân số.

Từ giữa tháng 7 này, Hàn Quốc sẽ thực hiện tiêm chủng mở rộng theo thứ tự. Theo đó khoảng 70.000 người dự định nhập ngũ trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 (như đối tượng tham gia nghĩa vụ quân sự, sĩ quan dự bị) sẽ được tiêm vaccine từ ngày 12/7 tới.

1.126.000 người là giáo viên mẫu giáo, nhà trẻ, trường cấp I, cấp II sẽ bắt đầu được đặt lịch tiêm phòng vaccine của hãng Pfizer từ ngày 14 đến 17/7 tới. Khoảng 640.000 học sinh lớp 12 và giáo viên cấp III sẽ được tiêm vaccine này từ ngày 19 đến 30/7 tại trung tâm tiêm chủng theo đơn vị trường học.

Trong khi đó, tại Nhật Bản, thủ đô Tokyo ngày 6/7 thông báo có 593 ca nhiễm mới, tiếp tục đà tăng trong bối cảnh chỉ còn 2 tuần nữa sẽ diễn ra Thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo. Số ca bệnh trung bình trong một tuần tại Tokyo hiện là 602,3 ca/ngày, trên mức 500 ca/ngày mà chính phủ đánh giá là mức nguy hiểm thứ 4 trên thang đánh giá mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh gồm bốn cấp độ. 

Ông Taro Kono, Bộ trưởng Cải cách hành chính, người phụ trách chương trình tiêm chủng quốc gia, cho biết chính phủ có kế hoạch phân phối tổng cộng 11,7 triệu liều vaccine của hãng Pfizer đến các khu vực trên cả nước hai tuần một lần từ tháng 7 này đến cuối tháng 9 tới, nhưng không nêu cụ thể số vaccine phân bổ cho từng khu vực. 

Nhật Bản đã nhận được 13,7 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 của hãng Moderna vào cuối tháng 6 vừa qua. Dự kiến, từ này đến cuối tháng 9 tới, Nhật Bản sẽ nhận được thêm 36,3 triệu liều từ công ty dược phẩm này của Mỹ theo thỏa thuận 50 triệu liều đã được hai bên nhất trí trước đó.

Tại châu Âu, trước sự nguy hiểm của biến thể Delta, Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) của Đức đã nâng mục tiêu bao phủ tiêm chủng ở nước này từ 80% lên mức 85% để có thể đạt miễn dịch cộng đồng.

Theo khuyến cáo mới của Viện RKI, Đức sẽ cần đạt tỷ lệ tiêm chủng tối thiểu là 85% đối với người từ 12-59 tuổi và 90% đối với người từ 60 tuổi trở nên. RKI nhận định nếu sớm đạt tỷ lệ tiêm chủng theo khuyến cáo mới, Đức có thể tránh được nguy cơ làn sóng lây nhiễm thứ 4 vào mùa thu và mùa đông tới. Ngoài ra, việc giảm tiếp xúc khi đó cũng sẽ giúp giảm mạnh tỷ lệ bệnh nhân nặng phải nhập viện.

Tuy nhiên, cho tới khi đại dịch Covid-19 bị đẩy lui, người dân dù đã được tiêm đủ liều vẫn nên tuân thủ các quy định về giữ khoảng cách tiếp xúc, đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên.

Trước đó, với sự lây lan mạnh của biến thể Alpha, RKI ra khuyến cáo cần ít nhất 80% dân số được miễn dịch thông qua tiêm chủng hoặc đã từng mắc Covid-19, nhằm ngăn chặn nguy cơ bệnh trở nặng hoặc tử vong. 

Dưới đây là thống kê của Worldometers về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, tính đến 8 giờ ngày 7/7 (giờ Việt Nam):

Thế giới: 185.353.604 ca mắc, 4.008.566 ca tử vong

Thống kê năm quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 34.618.296 ca mắc, 621.563 ca tử vong
2. Ấn Độ: 30.662.896 ca mắc, 404.240 ca tử vong
3. Brazil: 18.855.015 ca mắc, 527.016 ca tử vong
4. Pháp: 5.790.584 ca mắc, 111.231 ca tử vong
5. Nga: 5.658.672 ca mắc, 139.316 ca tử vong

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia ASEAN:
1. Indonesia: 2.345.018 ca mắc, 61.868 ca tử vong 
2. Philippines: 1.445.832 ca mắc, 25.296 ca tử vong
3. Malaysia: 792.693 ca mắc, 5.677 ca tử vong 
4. Thái Lan: 294.653 ca mắc, 2.333 ca tử vong 
5. Myanmar: 171.976 ca mắc, 3.513 ca tử vong  
6. Singapore: 62.640 ca mắc, 36 ca tử vong
7. Campuchia: 56.122 ca mắc, 779 ca tử vong
8. Việt Nam: 22.064 ca mắc, 97 ca tử vong
9. Lào: 2.356 ca mắc, 03 ca tử vong
10. Brunei: 266 ca mắc, 03 ca tử vong

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:
1. Châu Á: 56.743.578 ca mắc, 806.153 ca tử vong
2. Châu Âu: 48.434.488 ca mắc, 1.108.299 ca tử vong  
3. Bắc Mỹ: 40.776.692 ca mắc, 921.422 ca tử vong 
4. Nam Mỹ: 33.538.651 ca mắc, 1.023.073 ca tử vong
5. Châu Phi: 5.782.014 ca mắc, 148.304 ca tử vong
6. Châu Đại Dương: 77.460 ca mắc, 1.300 ca tử vong

Nguy cơ làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ tư