Sau 2 năm bùng phát, đại dịch Covid-19 chưa đến hồi kết

NDO -

Từ tháng 3/2020 đến nay, gần 500 triệu người đã nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 và các biến thể mới của virus này vẫn là mối đe dọa đối với thế giới. Hôm nay (11/3) đánh dấu tròn 2 năm kể từ ngày Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố sự lây lan của Covid-19 trên phạm vi toàn cầu là đại dịch.

Đan Mạch đã dỡ bỏ tất cả các biện pháp hạn chế được áp đặt nhằm ngăn dịch bệnh lây lan. (Ảnh: Reuters)
Đan Mạch đã dỡ bỏ tất cả các biện pháp hạn chế được áp đặt nhằm ngăn dịch bệnh lây lan. (Ảnh: Reuters)

Vào thời điểm WHO ban bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu, thế giới mới chỉ ghi nhận dưới 100 ca mắc và không có ca tử vong do Covid-19 bên ngoài Trung Quốc.

Sáu tuần sau đó, WHO công bố sự lây lan của Covid-19 trên phạm vi toàn cầu là đại dịch. Kể từ ngày 11/3/2020 đến nay, hơn 6 triệu người trên thế giới đã tử vong liên quan đại dịch này. 

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Gebreyesus ngày 9/3 cho rằng: "Dù số ca mắc và tử vong đang giảm trên toàn cầu, một số quốc gia đã dỡ bỏ các biện pháp hạn chế, nhưng đại dịch còn lâu mới kết thúc. Đại dịch sẽ không kết thúc tại bất cứ nơi nào cho đến khi nó kết thúc ở tất cả các khu vực".

Phát biểu ý kiến trước các nhà báo tại Geneva, ông Tedros lưu ý nhiều quốc gia tại châu Á và Thái Bình Dương đang đối mặt với sự bùng phát số ca mắc và tử vong. 

"Virus (SARS-CoV-2) tiếp tục phát triển, và chúng ta tiếp tục đối mặt với nhiều trở ngại lớn trong công tác phân phối vaccine (ngừa Covid-19), xét nghiệm và thuốc điều trị cho những nơi cần", ông Tedros nhận định. 

Tiếp cận vaccine công bằng

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã nhanh chóng ra tuyên bố bày tỏ ủng hộ đánh giá về tình hình đại dịch Covid-19 của Tổng Giám đốc WHO. Theo ông Guterres, việc cho rằng virus SARS-CoV-2 đang "ở lại phía sau" chúng ta là một sai lầm nghiêm trọng. Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng nhắc lại rằng công tác phân bổ vaccine vẫn chưa đồng đều.

"Các hãng dược đang sản xuất 1,5 tỷ liều vaccine mỗi tháng, nhưng gần 3 tỷ người vẫn chờ tiêm liều vaccine đầu tiên", người đứng đầu Liên hợp quốc nhấn mạnh.

Sau 2 năm bùng phát, đại dịch Covid-19 chưa đến hồi kết -0
Người đầu tiên tại Anh được tiêm vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer và BioNTech, ngày 8/12/2021. (Ảnh: Reuters)

Ông Guterres cho rằng thực tế này xuất phát từ các quyết định về chính sách và ngân sách ưu tiên sức khỏe của người dân tại các quốc gia giàu hơn sức khỏe của người dân tại các nước nghèo. Ông cũng đưa ra nhận định thế giới không đủ điều kiện để "phục hồi theo mô hình 2 tầng" sau đại dịch. 

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi, dù đang đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng toàn cầu nhưng đến giữa năm 2022 thế giới phải đạt được mục tiêu tiêm ngừa Covid-19 cho 70% dân số tại tất cả các quốc gia.

"Khoa học và tinh thần đoàn kết được chứng minh là một sự kết hợp không gì có thể đánh bại. Một lần nữa chúng ta phải cống hiến để chấm dứt đại dịch vì tất cả mọi người và vì mọi quốc gia, cũng như khép lại chương đáng buồn này trong lịch sử nhân loại một lần và mãi mãi", ông Guterres nhấn mạnh.

Thận trọng trước biến thể lai Deltacron

Ngoài những khó khăn trong thúc đẩy tiếp cận vaccine công bằng, WHO đang dành sự quan tâm cho Deltacron, biến thể được cho là lai giữa 2 biến thể Delta và Omicron

Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO Maria Van Kerkhove mới đây thông báo về sự xuất hiện của một biến thể lai tại châu Âu.

"Đó là sự kết hợp của Delta AY.4 và Omicron BA.1. Nó đã được phát hiện tại Pháp, Hà Lan và Đan Mạch, nhưng mức độ lưu hành biến thể này rất thấp", bà Kerkhove nói. Bà đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của xét nghiệm và giải trình tự gene trên toàn cầu. 

Bà Kerkhove giải thích rằng các nhà khoa học dự báo biến thể lai này sẽ khiến Omicron và Delta lưu hành ở mức cao. 

"Chúng ta không muốn các biến thể lai xuất hiện vì đây là cách các loại virus làm: chúng thay đổi theo thời gian. Chúng ta đang chứng kiến mức độ lây lan mạnh, chúng ta đang chứng kiến virus tác động lên động vật cùng với khả năng ảnh hưởng con người một lần nữa", bà Kerkhove cảnh báo. 

Bà kêu gọi các quốc gia tăng cường hệ thống theo dõi và giải trình tự gene cũng như sử dụng cách tiếp cận các công cụ y tế cộng đồng theo từng tầng. 

Ngoài ra, Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO cho rằng thời điểm đại dịch kết thúc vẫn còn xa, thế giới không chỉ cần tập trung cứu người mà còn phải giảm đà lây lan của virus.

Thế giới bước vào làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới