Rừng Amazon - lá phổi xanh của trái đất đang kêu cứu trong hỏa hoạn

NDO -

NDĐT – “Lá phổi xanh” của trái đất, những cánh rừng Amazon đang hứng chịu đợt cháy khủng khiếp nhất trong lịch sử. Theo số liệu chính thức của Trung tâm nghiên cứu vũ trụ quốc gia Brazil (INPE), chỉ tính từ ngày 15-8 đến nay đã có hơn 9.500 vụ cháy mới bùng phát ở Brazil, chủ yếu ở lưu vực sông Amazon.

Chỉ trong một tuần, hơn 9.500 đám cháy xảy ra tại rừng Amazon (Ảnh: Scienalert)
Chỉ trong một tuần, hơn 9.500 đám cháy xảy ra tại rừng Amazon (Ảnh: Scienalert)

Thống kê trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 8 năm nay đã có gần 73 nghìn vụ cháy rừng, chủ yếu tập trung ở khu vực Amazon. Trong khi tám tháng đầu năm 2018 số vụ cháy ghi nhận là 39.759 vụ.

Trong khi chỉ còn bốn tháng nữa đã hết năm, số vụ cháy ghi nhận được mang tính báo động này đã khiến năm 2019 là năm có số vụ cháy rừng cao nhất trong một năm kể từ khi các nhà khoa học bắt đầu quá trình theo dõi tình trạng cháy rừng Amazon từ năm 2013.

Rừng Amazon - lá phổi xanh của trái đất đang kêu cứu trong hỏa hoạn ảnh 1

Những đám cháy rừng chụp từ trên cao (Ảnh: AP)

Tổ chức Khí tượng học Thế giới công bố các hình ảnh vệ tinh mới nhất của khu vực rừng Amazon cho thấy các đám khói bốc cao và lan tới các khu vực khác từ lục địa Mỹ Latinh cho tới bờ biển Atlantic.

Theo Tổ chức động vật hoang dã thế giới (WWF), có diện tích lớn gấp đôi diện tích Ấn Độ, là khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới, “lá phổi xanh” Amazon cung cấp 20% khí oxy cho trái đất, là ngôi nhà của 10% đa dạng sinh học trên thế giới. Rừng Amazon cháy đồng nghĩa với việc một lượng lớn khí carbon đi vào khí quyển thay vì khí oxy nuôi sống con người.

Tình trạng “lá phổi xanh” đang cháy nguy cấp trong những ngày qua đã châm ngòi cho một cuộc tranh cãi về trách nhiệm bảo vệ khu vực này giữa chính phủ Brazil và các nước khác.

Rừng Amazon - lá phổi xanh của trái đất đang kêu cứu trong hỏa hoạn ảnh 2

Hoạt động đốt rừng lấy đất canh tác được cho là một trong những nguyên nhân gây ra cháy rừng Amazon (Ảnh: Reuters)

Cho rằng chính phủ Brazil thiếu các cam kết chiến đấu với nạn cháy rừng, Đức và Na Uy đã quyết định rút hơn 60 triệu USD trong các quỹ tài chính dành cho các dự án phát triển rừng bền vững cho Brazil.

Tổng thống Pháp Macron đã gọi tình trạng cháy rừng này là một thảm họa quốc tế và nói rằng lãnh đạo của các quốc gia trong nhóm G7 cần thảo luận khẩn cấp về vấn đề này trong hội nghị thượng đỉnh của nhóm tại Pháp vào cuối tuần này.

“Ngôi nhà của chúng ta đang bị cháy. Thật đau buồn. Rừng nhiệt đới Amazon- lá phổi sản sinh ra 20% khí oxy của trái đất đang bốc cháy”, Tổng thống Pháp Macron viết trên Twitter.

Rừng Amazon - lá phổi xanh của trái đất đang kêu cứu trong hỏa hoạn ảnh 3

Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Brazil Bolsonaro tuyên bố chính phủ đang nỗ lực chống lại nạn phá rừng trái phép và nhiều quốc gia khác đang gây ra thảm họa môi trường này.

Những tranh cãi nổi lên khi các chuyên gia Brazil báo cáo số lượng rừng bị cháy lên mức đỉnh điểm trong năm nay, cao gấp 84% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước tình hình này, Tổng thư ký LHQ Antono Guterres lên tiếng rằng: “Giữa cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu này, chúng ta không thể để nguồn cung cấp oxy thiết yếu và đa dạng sinh học của chúng ta bị tổn hại thêm nữa. Rừng Amazon cần phải được bảo vệ”.