Quốc tế cam kết viện trợ 1 tỷ USD cứu đói cho người dân Afghanistan

NDO -

Cộng đồng quốc tế đã cam kết hỗ trợ hơn 1 tỷ USD cho Afghanistan, nhằm giải quyết tình trạng đói nghèo đang gia tăng trong bối cảnh viện trợ nước ngoài đã cạn kiệt kể từ khi lực lượng Taliban lên nắm quyền tại quốc gia này.

Người Afghanistan tìm đường sang Pakistan qua cửa khẩu Hữu nghị ở thị trấn Chaman trên biên giới Pakistan-Afghanistan, ngày 6/9/2021. (Ảnh: Reuters)
Người Afghanistan tìm đường sang Pakistan qua cửa khẩu Hữu nghị ở thị trấn Chaman trên biên giới Pakistan-Afghanistan, ngày 6/9/2021. (Ảnh: Reuters)

Ngày 13/9, lãnh đạo các nước và quan chức Liên hợp quốc (LHQ) đã tham dự hội nghị viện trợ cho Afghanistan được tổ chức tại trụ sở LHQ ở Geneva, Thụy Sĩ.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết, cơ quan này đã kêu gọi khoản hỗ trợ khẩn cấp 606 triệu USD, nhằm đáp ứng những nhu cầu cấp bách nhất của một quốc gia đang gặp khủng hoảng.

Sau nhiều thập kỷ xung đột, người Afghanistan đang phải đối mặt với "giờ khắc nguy hiểm nhất", Tổng Thư ký Guterres nói trong bài phát biểu khai mạc hội nghị. "Người dân Afghanistan đang phải đối mặt với sự sụp đổ của cả một đất nước - tất cả đều đến cùng một lúc".

Ông cho biết, nguồn cung lương thực có thể sẽ cạn kiệt vào cuối tháng này. Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cho biết thêm, 14 triệu người Afghanistan đang trên bờ vực của nạn đói.

Sau khi Taliban trở lại nắm quyền trong bối cảnh quân đội NATO do Mỹ dẫn đầu rút khỏi Afghanistan và các lực lượng của chính phủ được phương Tây hậu thuẫn tan rã, hàng tỷ USD viện trợ cho nước này đã bị cắt.

Các nước láng giềng Trung Quốc và Pakistan đã đề nghị hỗ trợ Afghanistan. Tuần trước, Bắc Kinh thông báo sẽ gửi thực phẩm và vật tư y tế trị giá 31 triệu USD đến nước này. Iran cũng cho biết đã gửi 1 chuyến hàng viện trợ nhân đạo cho Afghanistan.

Ngoài hỗ trợ nhu yếu phẩm như dầu ăn và thuốc men, Pakistan cũng kêu gọi dỡ phong tỏa các tài sản của Afghanistan ở nước ngoài.

Trong khi đó, tại hội nghị, Mỹ cam kết hỗ trợ nhân đạo trị giá gần 64 triệu USD, trong khi Na Uy cũng cam kết hỗ trợ thêm 11,5 triệu USD.

Ngay cả trước khi Taliban chiếm được Kabul hồi tháng trước, một nửa dân số tức 18 triệu người Afghanistan vẫn phải sống phụ thuộc vào viện trợ. Số này còn có thể sẽ tăng lên do tình trạng hạn hán và thiếu hụt thực phẩm đang gia tăng.

Khoảng 1/3 trong số 606 triệu USD được LHQ kêu gọi sẽ dành cho Chương trình Lương thực thế giới của LHQ để hỗ trợ người dân Afghanistan. Theo công bố của chương trình này, 93% trong số 1.600 người Afghanistan được khảo sát vào tháng 8 và tháng 9 không đủ ăn.

Giám đốc điều hành WFP David Beasley phát biểu tại hội nghị rằng 40% vụ lúa mì của Afghanistan đã mất trắng, chi phí dầu ăn tăng gấp đôi và hầu hết người dân không có cách nào có đủ tiền để mua thực phẩm.

Trong khi các ngân hàng của Afghanistan đã bắt đầu mở cửa trở lại, người dân vẫn phải đợi rất lâu để rút tiền, trong khi công chức chính phủ đã bị nợ lương kể từ tháng 7.

Theo ông David Beasley, trong 14 triệu người Afghanistan, cứ 3 người thì có 1 người đang trên bờ vực của nạn đói. Họ không thể bảo đảm bữa ăn tiếp theo của mình.

"Nếu không có những bước đi cẩn thận, chúng ta thực sự có thể chứng kiến người dân Afghanistan rơi vào vực thẳm trong điều kiện thảm khốc, tồi tệ hơn những gì chúng ta đang thấy bây giờ", ông David Beasley cảnh báo.

Tổ chức Y tế thế giới cũng đang tìm cách hỗ trợ hàng trăm cơ sở y tế tại Afghanistan đang có nguy cơ đóng cửa sau khi các nhà tài trợ rút lui.

Cao ủy LHQ về người tị nạn Filippo Grandi cảnh báo, có thể làn sóng di cư sẽ sớm xảy ra từ cả bên trong và bên ngoài Afghanistan, và lớn hơn nhiều lần so với ước tính nửa triệu người tìm kiếm nơi ở mới trong năm nay.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu kêu gọi quốc tế cần hành động sớm để hỗ trợ Afghanistan. "Một cuộc khủng hoảng an ninh và nhân đạo ở Afghanistan sẽ có những tác động trực tiếp đến toàn cầu. Chúng ta nên hành động ngay bây giờ", ông Mevlut Cavusoglu nói.

Tình hình Afghanistan