Pháp lo ngại về biến thể Delta

NDO -

Tình hình dịch Covid-19 tại Pháp tiếp tục được cải thiện trong những tuần gần đây, số ca nhiễm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2020. Tuy nhiên, giới chức Y tế tại Pháp vẫn còn nhiều lo lắng, đặc biệt là biến thể Delta hiện đã xuất hiện ở 75 nước và đang lây lan rộng rãi ở châu Âu, trong đó có Pháp.

Sân vận động Quốc gia Pháp (Stade de France) trở thành trung tâm tiêm chủng lớn nhất nước Pháp.
Sân vận động Quốc gia Pháp (Stade de France) trở thành trung tâm tiêm chủng lớn nhất nước Pháp.

Theo một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS), phòng thí nghiệm Cerba và Bệnh viện Đại học Montpellier, biến thể Delta-được tìm thấy lần đầu tiên tại Ấn Độ, có thể lây nhiễm cao hơn từ 67 đến 120 lần so với các biến thể khác của SARS-CoV2. Chủng mới này cũng được cho là có độc lực cao hơn so với những “người anh em” của nó. 

Theo một bài báo trên tạp chí khoa học The Lancet, các nhà nghiên cứu Scotland đã báo cáo nguy cơ nhập viện liên quan đến chủng Delta ngày càng tăng, đặc biệt ở những người có bệnh đi kèm, tăng gần gấp đôi so với những người bị nhiễm biến thể Alpha (biến thể từ Anh). Theo The Lancet, điều đáng mừng là các loại vaccine Covid trong đó có AstraZeneca và Pfizer-BioNTech Covid-19 đều có hiệu quả trong việc giảm nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 và nhập viện ở những người nhiễm biến thể Delta.

Tại Pháp, biến thể Delta vẫn còn chưa hoành hành mạnh giống như “anh em họ” Alpha của nó. Cơ quan Y tế Cộng đồng Pháp (SPF) cho biết, biến thể Alpha chiếm 4,6% các trường nhiễm SARS-CoV-2  ở Pháp tính đến ngày 17-6. Từ ngày 16 đến 22-6, có 155 trường hợp nhiễm biến thể Delta mới được xác nhận. Ba khu vực có số trường hợp biến thể Delta được xác nhận cao nhất là vùng Île-de-France, Auvergne-Rhône-Alpes, và Hauts-de-France. Một số nguồn nhiễm bệnh đã được xác định ở Landes, Bas-Rhin (Strasbourg), Ile-de-France (Val-de-Marne).

Ở Anh, tỷ lệ mắc bệnh giảm xuống dưới 50 ca/100 nghìn dân vào đầu tháng 4, và thậm chí dưới 30 vào đầu tháng 5. Vào ngày 4-4, chỉ có 1% trường hợp nhiễm mới là do chủng Delta gây ra. Nhưng đến giữa tháng 6, tỷ lệ mắc bệnh đã lên tới 85 ca/100 nghìn dân. 

Theo các nhà khoa học Anh, biến thể Delta là nguồn gốc của sự bùng phát dịch bệnh này, bất chấp chiến dịch tiêm chủng rầm rộ, khoảng 60% người Anh đã được tiêm hai mũi vaccine. Báo cáo mới nhất của cơ quan y tế Anh, biến thể Delta chiếm tới 91% ở các trường hợp nhiễm mới.

Anh dự kiến dỡ bỏ các hạn chế cuối cùng vào ngày 21-6. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát trở lại đã buộc Thủ tướng Boris Johnson phải hoãn bỏ giai đoạn cuối cùng của quá trình kiểm soát dịch bệnh thêm bốn tuần. Mặc dù quốc gia này chỉ ghi nhận 2.264 trường hợp nhiễm mới ngày 14-5, nhưng hiện đã ghi nhận khoảng 10 nghìn trường hợp/ngày.

Theo các số liệu cơ quan Y tế Anh có tới 2/3 số người bị nhiễm Delta không được tiêm chủng. Trong số 53.163 người bị nhiễm biến thể Delta ở Anh thì 35.521 người, tương đương 67% trường hợp, hoàn toàn không được tiêm phòng 25% chưa hoàn thành chu kỳ tiêm chủng và 7,7% đã được tiêm chủng đầy đủ. Trong 2152 bệnh nhân nhập viện, 67% chưa được tiêm, 25% chưa hoàn thành lịch tiêm chủng và 8% đã tiêm cả hai liều. 

Ở Bồ Đào Nha, dịch bệnh bùng phát trở lại được cho là do biến thể Delta gây ra. Với số ca nhiễm mới tăng 54%/ngày, hiện Bồ Đào Nha là quốc gia ở châu Âu có dịch bệnh đang tiến triển nhanh nhất. Viện Y tế Quốc gia (Insa) cho biết, tại thủ đô Lisbon, biến thể Delta chiếm tới 60% số trường hợp nhiễm mới được phát hiện. Hiện Bồ Đào Nha phải thực hiện một số biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Theo sát tình hình biến thể Delta đang hoành hành tại châu Âu, trong đó có Anh, Bồ Đào Nha, Nga... Pháp không khỏi lo lắng. Liệu nước này có xảy ra kịch bản như Anh và một số nước khác, một đợt dịch mới có thể bùng phát dịch vào tháng 9 tới? 

Tổng Giám đốc Cơ quan Y tế công cộng Pháp Jérôme Salomon ngày 22-6 ước tính rằng, biến thể Delta hiện đang chiếm khoảng 10% số ca nhiễm mới tại Pháp và kêu người dân nên đi tiêm vaccine “vì một mùa hè yên bình và được bảo vệ”.

Hiện Pháp chỉ có 25,6% tổng dân số và 32,7% dân số trưởng thành được tiêm chủng đầy đủ, những dữ liệu này cho thấy tầm quan trọng của việc đẩy nhanh hơn nữa tốc độ chiến dịch tiêm chủng vaccine nhằm ngăn chặn biến thể Delta lây lan.

Nguy cơ làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ tư