Pháp cải tổ Chính phủ

NDO -

Hai tuần sau khi không giành được đa số tuyệt đối tại Quốc hội, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tiến hành cải tổ Chính phủ, không thành lập một chính phủ liên minh mà chỉ thay đổi một số vị trí.

Chính phủ mới của Thủ tướng Élisabeth Borne có 21 nam và 21 nữ. (Ảnh: Le Monde)
Chính phủ mới của Thủ tướng Élisabeth Borne có 21 nam và 21 nữ. (Ảnh: Le Monde)

Theo thông báo của Phủ Tổng thống Pháp, Chính phủ mới gồm 32 bộ trưởng, 10 quốc vụ khanh, trong đó có 21 nam và 21 nữ. Trong số 42 thành viên của Chính phủ vừa công bố, có 13 người chưa từng tham gia chính trường.

Một số vị trí chủ chốt vẫn giữ nguyên như Bộ trưởng Ngoại giao, Tài chính, Nội vụ và Quân đội. 

Ông Olivier Véran, người từng làm Bộ trưởng Y tế trong nhiệm kỳ trước và cựu Bộ trưởng phụ trách quan hệ với nghị viện, được bổ nhiệm làm người phát ngôn của Chính phủ. Còn ông François Braun, Chủ tịch Dịch vụ Trợ giúp Y tế Khẩn cấp, được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Y tế thay bà Brigitte Bourguigno, người vừa bị mất ghế tại Quốc hội. 

Bà Yael Braun Pivet vừa được bầu làm Chủ tịch Quốc hội nên vị trí Bộ trưởng Hải ngoại được giao cho ông Jean François Carenco.

Trong cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua, liên minh của Tổng thống Macron chỉ giành được 245/577 ghế, không đủ 289 ghế tối thiểu cần thiết để chiếm đa số tại Quốc hội Pháp. Kết quả bầu cử đã đặt nước Pháp trước nguy cơ bế tắc chính trị và liên minh cầm quyền vẫn nhận được sự chấp thuận của đảng phái đối lập để tham gia một chính phủ liên minh. 

Theo các số liệu mới nhất do Hạ viện Pháp công bố, liên minh của Tổng thống Emmanuel Macron có tổng cộng 250 ghế, còn thiếu đến 39 ghế để đạt đa số tuyệt đối (289 ghế). Đây là đa số tương đối có số ghế thấp nhất trong lịch sử của nền Cộng hòa thứ V của Pháp, ra đời vào năm 1958. Đảng cầm quyền Phục hưng (tên mới của đảng Nền Cộng hòa Tiến bước) có số nghị sĩ đông nhất (171), tiếp đó là Đảng cực hữu Tập hợp Dân tộc (RN), 89 ghế và đảng cực tả Nước Pháp Bất khuất, 75 ghế. 

Do không còn thế áp đảo như nhiệm kỳ trước, Tổng thống Emmanuel Macron sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc thông qua các cải cách và Quốc hội mới có vai trò đối trọng thật sự với cơ quan hành pháp.  

Nước Pháp đang ở trong một tình hình chính trị mới. Tổng thống Emmanuel Macron sẽ buộc phải thương lượng, mặc cả với các nhóm nghị sĩ trước khi ra những quyết định quan trọng cho đất nước.

Trong tuần qua, Quốc hội mới đã bầu các vị trí chủ chốt. Nghị sĩ Eric Coquerel của đảng cực tả LFI được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Tài chính, cơ quan có ý nghĩa chiến lược của Quốc hội Pháp. Trong khi đó, đảng cánh hữu LR sẽ bị lép vế so với đảng cực tả LFI và đảng cực hữu RN. 

Tổng thống Emmanuel Macron triệu tập cuộc họp chính phủ vào lúc 4 giờ chiều (giờ địa phương).

Dự kiến, ngày 6/7, Thủ tướng Élisabeth Borne sẽ trình bày cương lĩnh hành động trước Quốc hội Pháp, trong đó có dự luật liên quan đến sức mua, hiện là mối quan tâm hàng đầu của người dân Pháp.