“Omicron tàng hình” đang chiếm ưu thế tại Anh

NDO -

Biến thể phụ BA.2 của biến chủng Omicron, hay còn được gọi là “Omicron tàng hình” hiện đang chiếm ưu thế tại vùng England (Vương quốc Anh), trong bối cảnh khu vực này đã ghi nhận tỷ lệ nhiễm Covid-19 cao nhất từ trước đến nay trong tháng 3.

Người dân đeo khẩu trang đi mua sắm trên phố Oxford, London, Anh, ngày 27/1/2022. (Ảnh: REUTERS)
Người dân đeo khẩu trang đi mua sắm trên phố Oxford, London, Anh, ngày 27/1/2022. (Ảnh: REUTERS)

Theo kết quả khảo sát REACT-1 của Đại học Hoàng gia London công bố sáng 6/4, đỉnh của làn sóng lây nhiễm trong tháng 3 đã vượt qua mức cao nhất trong làn sóng do biến thể BA.1 của Omicron gây ra hồi tháng 1 vừa qua.

Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ mắc Covid-19 ở vùng England trong khoảng thời gian từ ngày 8 đến 31/3 là 6,37%, tức khoảng 1 ca bệnh trên 15 người. Con số này cao hơn nhiều so với mức kỷ lục trước đó là 4,41% được ghi nhận vào tháng 1.

Các chuyên gia y tế nhận định, đỉnh dịch mới được thúc đẩy bởi “Omicron tàng hình”, hiện đã chiếm gần 95% các mẫu được giải trình tự gene trong nghiên cứu.

Tuy nhiên, Cơ quan An ninh y tế Vương quốc Anh cho rằng, BA.2 có khả năng lây lan cao hơn BA.1 nhưng không làm tăng nguy cơ nhập viện.

Trước đó, Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) cũng công bố số liệu cho thấy, tỷ lệ nhiễm Covid-19 ở vùng England đã tăng lên mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát vào năm 2020.

Theo đó, tính đến tuần kết thúc vào ngày 26/3, cứ 13 người thì có 1 người nhiễm Covid-19, cao hơn tỷ lệ 1/16 được ghi nhận trong tuần trước đó. ONS ước tính 4,1 triệu người ở Anh đã mắc Covid-19.

Nghiên cứu REACT-1 của Đại học Hoàng gia London càng củng cố thêm số liệu của ONS, cho thấy tình hình dịch bệnh tại Anh đang diễn tiến phức tạp trong bối cảnh nước này đã dỡ bỏ tất cả các hạn chế phòng dịch.

Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các ca nhiễm mới cũng đang gia tăng ở nhóm người trên 55 tuổi, với tỷ lệ mắc cao kỷ lục 8,3% tính đến ngày 31/3.

Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể là do lây nhiễm chéo và khả năng bảo vệ của các mũi vaccine phòng Covid-19 tăng cường giảm theo thời gian.

Nhà dịch tễ học Christl Donnelly tại Đại học Hoàng gia London bày tỏ lo ngại, nhóm dân số trên 55 tuổi có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng cao hơn các nhóm tuổi khác, nhất là khi vẫn chưa thể xác định được đỉnh lây nhiễm trong nhóm tuổi này.

Trong khi đó, tại Mỹ, biến thể phụ BA.2 của Omicron ước tính đã chiếm gần 3/4 số ca mắc Covid-19 ở nước này.

Theo ước tính của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), “Omicron tàng hình” đã chiếm 72,2% trong số các biến thể của virus SARS-CoV-2 đang lưu hành ở Mỹ tính đến ngày 2/4, tăng mạnh so với gần 57,3% trong tuần trước đó.

“Omicron tàng hình” đang chiếm ưu thế tại Anh -0

Người dân Mỹ xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 ở San Diego, California, ngày 10/1/2022. (Ảnh: REUTERS)

Theo Tổ chức Y tế thế giới, BA.2 hiện chiếm khoảng 86% tổng số ca bệnh được giải trình tự gene trên toàn cầu. Biến thể này dễ lây lan hơn các dòng phụ BA.1 và BA.1.1 của Omicron. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho đến nay đã chỉ ra rằng, “Omicron tàng hình” không có nhiều khả năng gây bệnh nặng hơn so các biến chủng khác.

Nhìn chung các ca mắc mới Covid-19 ở Mỹ đã giảm mạnh sau khi đạt mức kỷ lục vào tháng 1 vừa qua, nhưng làn sóng gia tăng trở lại các ca nhiễm ở nhiều khu vực tại châu Á và châu Âu đã làm dấy lên lo ngại rằng 1 làn sóng khác có thể xảy ra ở Mỹ.

Số ca mắc trung bình trong 7 ngày ở nước này vào khoảng 26.106 ca tính đến tuần kết thúc vào ngày 1/4, thấp hơn một chút so với 26.309 ca của 1 tuần trước đó.

Trong bối cảnh khả năng miễn dịch suy yếu và những rủi ro do các biến thể của Omicron gây ra, cơ quan y tế Mỹ đã cho phép tiêm liều tăng cường thứ hai sử dụng vaccine phòng Covid-19 của Pfizer/BioNtech và Moderna cho người từ 50 tuổi trở lên, cũng như cho những người trẻ hơn có hệ miễn dịch yếu.

“Omicron tàng hình” đang chiếm ưu thế tại Anh -0
Đồ họa: TRUNG HƯNG

Theo trang thống kê worldometers.info, Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nhất trong đại dịch, với tổng gần 82 triệu ca mắc và trên 1 triệu ca tử vong. Tiếp theo là Ấn Độ với trên 43 triệu ca mắc và 521 nghìn người không qua khỏi, sau đó là Brazil với 660 nghìn ca tử vong trên tổng 30 triệu ca mắc.

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 1.238.324 ca mắc và 3.481 ca tử vong. Hàn Quốc, Pháp, Đức là những nước có số ca mắc mới cao nhất thế giới, lần lượt là 265.995 ca, 203.021 ca, 187.256 ca. Trong khi Mỹ đứng đầu về số ca tử vong trong 24 giờ qua với 466 ca.

Tính đến sáng 6/4 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng 493,7 triệu ca mắc Covid-19 và 6,18 triệu ca tử vong. Số ca hồi phục là 429,3 triệu ca, trong khi vẫn còn trên 55 nghìn ca bệnh cần điều trị tích cực.

“Omicron tàng hình” đang chiếm ưu thế tại Anh -0
Đồ họa: TRUNG HƯNG

Nhằm ứng phó với các tác động tiềm ẩn của chứng “Covid kéo dài”, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 5/4 đã giao Bộ Y tế Mỹ xây dựng 1 kế hoạch hành động quốc gia để giải quyết tình trạng này.

Chứng “Covid kéo dài” đã ảnh hưởng đến gần 7% dân số trưởng thành Mỹ, khiến nước này tiêu tốn khoảng 386 tỷ USD tiền lương, tiền tiết kiệm và chi phí cho y tế.

Hơn 200 triệu chứng, trong đó nhiều triệu chứng kéo dài trong nhiều tháng có liên quan đến tình trạng này, bao gồm đau nhức, mệt mỏi, “sương mù” não, khó thở và kiệt sức dù chỉ hoạt động thể chất ở mức tối thiểu.

Nhà Trắng cho biết, kế hoạch trên sẽ mở rộng các dịch vụ nghiên cứu và chăm sóc cho những người mắc chứng bệnh này. Theo đó, Bộ Y tế Mỹ sẽ chi 20 triệu USD trong năm tới để nâng cao năng lực hệ thống chăm sóc sức khỏe, đẩy mạnh chăm sóc ban đầu và phát triển các phòng khám chuyên khoa trên khắp đất nước, nhằm hỗ trợ tốt nhất cho những người mắc “Covid kéo dài”.

Kế hoạch này cũng phân bổ thêm 25 triệu USD cho CDC để nghiên cứu sâu hơn các đặc điểm, yếu tố nguy cơ, cơ chế và tác động đến sức khỏe của chứng “Covid kéo dài”, cũng như các giải pháp giải quyết tình trạng này.

Ở châu Âu, giới chức y tế Hy Lạp ngày 5/4 cho biết, nước này sẽ tiến hành tiêm liều vaccine phòng Covid-19 tăng cường thứ hai cho người từ 60 tuổi trở lên, cách mũi tăng cường đầu tiên ít nhất 4 tháng.

Tổng Thư ký Bộ Y tế Hy Lạp phụ trách tiêm chủng, ông Marios Themistocleous cho biết, chiến dịch tiêm tăng cường này sẽ bắt đầu được triển khai từ ngày 7/4.

Theo đại diện Bộ Y tế Hy Lạp, quyết định được đưa ra trong bối cảnh lây nhiễm trong nước vẫn cao, và liều tăng cường đã cho thấy hiệu quả trong việc ngăn ngừa nguy cơ tử vong liên quan đến Covid-19.

Trong 24 giờ qua, Hy Lạp ghi nhận gần 19 nghìn ca mắc mới và 70 ca tử vong liên quan, nâng tổng số ca nhiễm lên 3,11 triệu. Cho đến nay, khoảng 27.816 người Hy Lạp đã không qua khỏi vì căn bệnh này. Với dân số khoảng 11 triệu người, quốc gia này đã tiêm phòng Covid-19 đầy đủ cho khoảng 72% dân số.

“Omicron tàng hình” đang chiếm ưu thế tại Anh -0
Nhân viên y tế hướng dẫn người dân xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 tại ga Seoul, thủ đô Seoul, Hàn Quốc, sáng 6/4/2022. (Ảnh: Yonhap)

Ở châu Á, tình hình dịch bệnh tại Hàn Quốc đang cho thấy dấu hiện lắng dịu, khi đã 6 ngày liên tiếp nước này duy trì số ca mắc ở dưới 300 nghìn ca, trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm Omicron đã chậm lại sau khi đạt đỉnh vào tháng trước, với mức cao kỷ lục 621.181 ca ghi nhận ngày 17/3 vừa qua.

Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc cho biết, tính đến rạng sáng 6/4, tỷ lệ dân số được tiêm chủng đầy đủ là 86,7%, tương đương 44,5 triệu người, trong khi 64% dân số nước này đã được tiêm tăng cường.

Bắt đầu từ tuần này, Chính phủ Hàn Quốc đã nới lỏng giới hạn số người được phép nhóm họp từ 8 lên 10 người. Giờ mở cửa của các nhà hàng và quán cà phê cũng được kéo dài thêm 1 giờ đến nửa đêm.

Vào cuối tuần tới, cơ quan y tế Hàn Quốc sẽ xem xét có dỡ bỏ các quy định giãn cách xã hội và cho phép người dân không cần đeo khẩu trang ngoài trời hay không, nếu tình hình dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát.

Thế giới bước vào làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới