Nước Pháp đối diện thách thức ngày càng lớn

NDO -

Hội đồng Khoa học của Chính phủ Pháp cho rằng đầu năm tới có khả năng xảy ra nhiều đợt lây lan khác của dịch bệnh Covid-19 do điều kiện thời tiết lạnh, do vậy cần chuẩn bị chiến lược ứng phó ngay từ bây giờ. Trong khi đó, nợ công được dự báo có thể lên tới 119,8% GDP, cho thấy còn nhiều thách thức cho nước Pháp. 

Phố Rivoli dọc bảo tàng Louvre ở trung tâm Paris không bóng người trong ngày thứ ba của lệnh phong tỏa. (Ảnh: BFMTV)
Phố Rivoli dọc bảo tàng Louvre ở trung tâm Paris không bóng người trong ngày thứ ba của lệnh phong tỏa. (Ảnh: BFMTV)

Tầm quan trọng của chiến lượng phòng ngừa

Pháp hiện là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở khu vực Liên hiệp châu Âu (EU) bởi làn sóng thứ hai của dịch bệnh. Theo báo cáo công bố ngày 1-11, các chuyên gia về y tế và virus của Pháp cho rằng tình hình trong những tháng tới sẽ "cực kỳ khó khăn". Lý do là vì sự lây lan của dịch bệnh rất khó lường, nhất là trong điều kiện thời tiết của mùa đông, và lệnh phong tỏa đợt hai không nghiêm ngặt như đợt đầu năm. Một số chuyên gia y tế còn lo ngại rằng thời gian phong tỏa trong một tháng chưa đủ để kiềm chế dịch.

Nhằm chuẩn bị các biện pháp ứng phó kịp thời để tránh tình trạng "bị động và khó kiểm soát" như vừa qua, Hội đồng Khoa học đề xuất hai phương án: tăng cường giới nghiêm hoặc phong tỏa toàn quốc. Theo đó, thời gian giới nghiêm có thể kéo dài từ 6 giờ chiều tới 6 giờ sáng hôm sau thay vì từ 9 giờ tối như trong tháng 10 để hạn chế tối đa tiếp xúc xã hội. 

Đối với biện pháp phong tỏa, thời gian cũng chỉ cần kéo dài một tháng và sau đó dỡ bỏ dần từng biện pháp hạn chế tùy theo diễn biến của bệnh dịch. Việc duy trì hay nới lỏng hạn chế sẽ được căn cứ vào số ca nhiễm cũng như số bệnh nhận tăng hay giảm mỗi ngày. 
Chính phủ Pháp đã phải tái áp đặt lệnh phong tỏa từ ngày 30-10 do dịch bệnh lây lan dữ dội khắp nước cùng với nguy cơ quá tải của các bệnh viện. Thời gian phong tỏa lần này là bốn tuần, chỉ bằng một nửa so với hồi tháng 3 và 4. Trường học từ cấp 3 trở xuống cùng với dịch vụ công, sản xuất và cửa hàng bán hàng tiêu dùng thiết yếu được duy trì. 

Như vậy, giãn cách xã hội hiện nay ở Pháp không nghiêm ngặt như đợt phong tỏa đầu tiên. Trong cuộc trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình BFMTV, nhà dịch tễ học Arnaud Fontanet, thành viên của Hội đồng Khoa học, hy vọng số ca nhiễm hằng ngày sẽ giảm 65-80%. Tuy nhiên để giảm hẳn sự lây lan của virus, cần thời gian phong tỏa trong hai tháng, tức là đến cuối năm. 

Theo dự báo của Viện Pasteur, dịch bệnh có thể đạt đỉnh vào giữa tháng 11 và có thể tăng từ 3.740 tính tới ngày 2-11 lên tới 6.000 ca được chăm sóc đặc biệt. Với các biện pháp ngăn chặn hiện nay khác nhiều so với đợt trước, các chuyên gia dịch tễ cho rằng Pháp chỉ có thể vượt qua làn sóng lây nhiễm thứ hai vào cuối năm hoặc đầu năm 2021. Một số đợt lây lan mạnh có thể xảy ra vào những tháng mùa đông và mùa xuân tới, từ tháng 12 đến tháng 5. Do vậy, nguy cơ tái bùng phát của dịch phụ thuộc vào điều kiện thời tiết và hiệu quả của các biện pháp hạn chế cũng như chiến lược "xét nghiệm, truy tìm những trường hợp tiếp xúc ca bệnh và cách ly".

Biện pháp phong tỏa hiện nay có ưu điểm là hạn chế "tác động kinh tế và xã hội". Tuy nhiên, nhà dịch tế học Arnaud Fontanet cho rằng hiệu ứng của biện pháp phong tỏa tùy thuộc vào mức độ nghiêm ngặt cũng như thời gian áp đặt. Cuối tuần tới, Chính phủ Pháp sẽ xem xét tình hình dịch bệnh để điều chỉnh các biện pháp hạn chế.   

Trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh Franceinfo ngày 2-11, bà Vittoria Colizza, Giám đốc nghiên cứu thuộc Viện quốc gia về Sức khoẻ và Nghiên cứu Y học, cũng cho rằng sau hai tuần nữa mới biết đà lây lan của virus có giảm hẳn không. Lý do là vì cần có thời gian để đưa ra các số liệu về ca nhiễm, triệu chứng để xét nghiệm và có kết quả, rồi xu hướng gia tăng hay giảm của các ca nhập viện.  

Theo bà Vittoria Colizza, thời gian để xác định sự lây nhiễm giảm hẳn có thể tới hai tháng. Trong đợt bùng phát đầu năm cũng vậy, từ giữa tháng 3 tới ngày 11-5 mới ghi nhận số ca nhiễm giảm mạnh. Đợt phong tỏa hiện nay ngắn hơn. Thực tế có một phần dân số đã bị nhiễm trong đợt dịch đầu tiên và có thể miễn dịch. Tuy nhiên, có một vấn đề cần theo dõi sát sao là bất lợi về thời tiết lạnh, thúc đẩy sự lây lan và không thể mở cửa cả ngày cho thông thoáng. 

Phục hồi chậm hơn, thâm hụt và nợ công tăng

Trong cuộc trả lời phòng vấn tờ Chủ nhật (Le Journal du Dimanche) ngày 1-11, Bộ trưởng Ngân khố Pháp Olivier Dussopt dự báo mức thâm hụt công của Pháp có thể lên tới 248 tỷ euro trong năm 2020. Trước đó, Bộ trưởng Kinh tế lo ngại rằng nợ công có thể ở mức 119,8%, chứ không chỉ là 117,5% do tác động của dịch bệnh và đợt phong tỏa thứ hai. Như vậy nước Pháp có thể phải chứng kiến kỷ lục nối tiếp kỷ lục, về số ca nhiễm, thâm hụt ngân sách và nợ công. 

Theo ông Olivier Dussopt, một tháng phong tỏa mất 10 tỷ euro cho các biện pháp can thiệt chống dịch và hỗ trợ hoạt động kinh tế, tương đương 2,5% GDP. Từ tháng 3, thất thu thuế đã ở mức 70 tỷ euro và thêm khoảng 10 tỷ euro trong đợt bùng phát thứ hai của dịch bệnh. 

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do tác động tiêu cực từ biện pháp phong tỏa. Kể từ lúc dịch bùng phát hồi đầu năm cho tới nay, Chính phủ Pháp đã phải thực hiện các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp để bảo vệ nền kinh tế bị tác động nghiêm trọng bởi dịch bệnh. Khoảng 470 tỷ euro đã được chi cho cuộc khủng hoảng sức khỏe trong tời gian vừa qua và thêm 20 tỷ để tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế, chủ yếu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong đợt này. 

Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp trong khi đó sức tiêu dùng ngày càng giảm tại Pháp do tất cả cửa hàng bán hàng tiêu dùng không thiết yếu bị đóng cửa. Trước tình hình đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tiếp tục hạ mức tăng trưởng của Pháp trong năm 2021 từ hơn 6% được dự báo vào giữa tháng 10 xuống còn 5-6%. 

Để giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động và không bị phá sản hàng loạt, Chính phủ Pháp tiếp tục cam kết không tăng thuế để bù đắp nợ công. Theo ông Olivier, thâm hụt ngân sách sẽ được cân bằng dần dần thông qua cải cách, tăng trưởng và kiểm soát chi tiêu công.

Khủng hoảng dịch bệnh chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Kinh tế càng ảm đạm. Hiệu quả của kế hoạch phục hồi cũng như mục tiêu cân bằng thu chi ngân sách của Chính phủ Pháp còn khó xác định do việc kéo dài thời hạn giảm thuế cho các doanh nghiệp. Vì vậy, ngày 30-10, Chính phủ Pháp dự báo GDP sẽ giảm tới 11% so với ước tính trước đó là -10% nên khó có thể mục tiêu đạt mức tăng trưởng 1,5% vào năm sau. 

Hy vọng về một kỳ Noel đoàn tụ, an lành 

Căn cứ theo những diễn biến khó lường trong hai tháng vừa qua, bà Vittoria Colizza, Giám đốc nghiên cứu thuộc Viện quốc gia về Sức khoẻ và Nghiên cứu Y học, cảnh báo rằng chưa có cơ sở nào để khẳng định nước Pháp sẽ được đón Noel không còn nỗi lo về dịch bệnh. Mới qua ba ngày đầu tiên của đợt phong tỏa thứ hai, khó đoán được tình hình sắp tới. Bộ trưởng Bộ Y tế Olivier Véran cũng đã đề cập đến khả năng khó có thể tổ chức các hoạt động đông người đón Giáng sinh hay mừng năm mới. 

Theo kết quả thăm dò ý kiến của hơn một nghìn người do Viện Ifop tiến hành đăng trên tờ Chủ nhật ngày 30-10, có 56% người Pháp lo sợ bị nhiễm virus trong những tuần tới. Cứ 10 người Pháp thì có hơn bảy người (71%) nói rằng họ sẵn sàng chấp nhận tình trạng phong tỏa kéo dài sau ngày 1-12, kể cả vào dịp Noel hay năm mới. Tỷ lệ này thấp hơn ở những người dưới 35 tuổi khi 39% phản đối lệnh phong tỏa tới cuối năm.

Dịch bệnh đã gây ra phản ứng dây chuyền (Domino) với hàng loạt sự kiện văn hóa, triển lãm và cả chợ Noel đã bị hủy tại nhiều nơi ở Pháp. Ngày 2-11, ban tổ chức chợ Noel ở La Défense thuộc ngoại ô phía tây Paris cũng thông báo hủy sự kiện truyền thống này. Đây là chợ Noel lớn nhất ở vùng thủ đô, thu hút khoảng một triệu khách mỗi năm. 

Theo thống kê của Bộ Y tế Pháp, ngày 2-11, nước này ghi nhận thêm 58.518 ca nhiễm, mức cao nhất kể từ khi dịch tái bùng phát. Tỷ lệ xét nghiệm dương tính tiếp tục tăng từ 20,4 vào ngày 1-11 lên 20,6%. Hiện số nhập viện đã vượt quá 25 nghìn, trong đó có hơn 3.700 ca hồi sức cấp cứu. 

Những thống kê mới nhất cho thấy dịch bệnh ở Pháp còn rất phức tạp như dự báo của các chuyên gia y tế về nguy cơ có tới 9.000 ca hồi sức cấp cứu so với 7.000 vào lúc đỉnh điểm hồi tháng 4. Như vậy xu hướng của dịch bệnh cũng như tình hình kinh tế của Pháp còn nghiêm trọng. 

Dịch Covid-19 trên thế giới diễn biến phức tạp, khó lường