Nỗi lo an toàn dữ liệu

Trên nền tảng số, mọi thông tin cá nhân được người dùng đăng ký đều có nguy cơ bị tin tặc, hay còn gọi là các “hacker”, đánh cắp. Mới đây, sự cố rò rỉ thông tin người dùng từ kho dữ liệu của trang mạng xã hội Facebook liên quan hơn 500 triệu tài khoản lại làm dấy lên những lo ngại về an toàn dữ liệu cá nhân trên không gian mạng.

Nỗi lo an toàn dữ liệu

Cách mạng công nghiệp 4.0, sự phát triển của nền kinh tế số, chính phủ điện tử và nhu cầu tiện ích xã hội là nền tảng cho sự gia tăng nhanh chóng số người sử dụng các dịch vụ trên in-tơ-nét. Tuy nhiên, những lợi ích từ việc sử dụng công nghệ thông tin trong cuộc sống hằng ngày đi cùng với nhiều rủi ro, do môi trường mạng luôn có các nhóm tội phạm tìm kiếm cơ hội đánh cắp thông tin. Mọi thông tin cá nhân, như số điện thoại, địa chỉ, mã số định danh cá nhân, tài khoản ngân hàng, hay thói quen tiêu dùng, lịch sử giao dịch,… đều là những dữ liệu các tổ chức tội phạm nhắm tới và có thể khai thác cho nhiều mục đích bất chính.
 
 Các trang mạng xã hội thường là mục tiêu các nhóm, tổ chức tội phạm công nghệ nhắm tới do có hàng tỷ tài khoản hoạt động hằng tháng và là một kho dữ liệu cá nhân khổng lồ. Ngày 3-4 vừa qua, thông tin về việc dữ liệu của hơn 500 triệu người dùng Facebook ở 106 quốc gia bị công khai lại làm dấy lên lo ngại về tính bảo mật khi người dùng tin tưởng giao thông tin cá nhân cho một công ty, tổ chức. Đây không phải là lần đầu các khách hàng của Facebook bị xâm phạm quyền riêng tư. Đại diện Facebook khẳng định, toàn bộ số dữ liệu bị công khai đã được báo cáo từ năm 2019, khi công ty này phát hiện những lỗ hổng phần mềm bị tin tặc khai thác. Năm 2018, Facebook cũng từng bị các tin tặc tiến công và chiếm quyền truy cập của gần 50 triệu tài khoản người dùng. Facebook sau đó đã đưa ra chính sách trao thưởng 500 USD cho mỗi lỗ hổng được phát hiện trong một chương trình về báo cáo lạm dụng dữ liệu trong các ứng dụng của mạng xã hội này.
 
 Không chỉ có các trang mạng xã hội là nạn nhân của tin tặc, tập đoàn xe hơi công nghệ Uber năm 2017 từng thừa nhận che giấu việc tin tặc xâm nhập và đánh cắp dữ liệu cá nhân của hơn 57 triệu khách hàng của hãng trong một thời gian dài. Những thông tin bị đánh cắp, gồm tên, địa chỉ hòm thư điện tử và số điện thoại di động của hàng triệu người dùng Uber trên toàn thế giới. Tin tặc còn lấy được tên và số bằng lái của khoảng 600 nghìn lái xe cho Uber ở Mỹ. Uber đã phải trả cho nhóm tin tặc 100.000 USD để xóa những dữ liệu bị đánh cắp. Đầu năm 2021, dữ liệu cá nhân của khoảng 50 nghìn nhân viên bệnh viện Nova Scotia ở Ca-na-đa cũng bị tin tặc khai thác. Tháng 2-2021, hệ thống máy chủ của hãng điện thoại Singtel ở Xin-ga-po và hệ thống dữ liệu y tế phục vụ xét nghiệm, tiêm chủng Covid-19 ở Hà Lan cũng trở thành mục tiêu tiến công của tội phạm công nghệ, thông tin của hàng nghìn người dùng bị đánh cắp.
 
 Trong bối cảnh những vụ tiến công nhằm vào các cơ sở dữ liệu trên toàn cầu ngày càng phức tạp và thường xuyên, các chuyên gia bảo mật khuyến cáo mọi người cẩn trọng khi điền những thông tin cá nhân trên mạng, chủ động tự bảo vệ thông tin “nhạy cảm” bằng những mật khẩu phức tạp hơn, sử dụng tính năng cảnh báo hoạt động bất thường và xác thực điện tử nếu có thể.
 
 Thực tế cho thấy người dùng chưa thể hoàn toàn tin tưởng vào tính bảo mật của những dịch vụ trên nền tảng số. Mỗi người khi tham gia môi trường mạng cần hiểu được những rủi ro và cách nâng cao bảo mật thông tin cá nhân trước mối đe dọa từ tội phạm công nghệ. Tuy nhiên, trách nhiệm chính trong bảo vệ an toàn dữ liệu vẫn thuộc về các công ty, tổ chức cung cấp dịch vụ.