Nhiều nước thay đổi chiến lược chống Covid-19

Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 trên thế giới bước sang giai đoạn mới khi tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 tiếp tục tăng. Nhiều nước đang lần lượt điều chỉnh chiến lược phòng, chống dịch từ "không Covid-19" sang thích ứng an toàn với Covid-19.

Biển yêu cầu hành khách và nhân viên phải tiêm chủng trước lối vào một nhà hàng ở New York, Mỹ. Ảnh AFP
Biển yêu cầu hành khách và nhân viên phải tiêm chủng trước lối vào một nhà hàng ở New York, Mỹ. Ảnh AFP

Theo kế hoạch, một số nước dự kiến sẽ thông quan từ tháng 11 tới. Tại Thái Lan, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha thông báo từ ngày 1/11 tới, nước này sẽ mở cửa hoàn toàn cho du khách đã tiêm đầy đủ vaccine phòng Covid-19 đến bằng đường hàng không từ 10 quốc gia được coi là có nguy cơ bùng phát dịch bệnh thấp. Trong danh sách này có Anh, Mỹ, Trung Quốc, Đức và Singapore. Khi nhập cảnh Thái Lan, du khách từ các nước nêu trên sẽ phải xuất trình chứng nhận xét nghiệm âm tính với Covid-19 và xét nghiệm thêm một lần nữa tại điểm đến. Danh sách ưu tiên nhập cảnh của Thái Lan dự kiến đến tháng 1/2022 sẽ bổ sung thêm nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác.

Ở New Zealand, Thủ tướng Jacinda Ardern thừa nhận chiến lược "không Covid-19" đã không ngăn chặn được đợt bùng phát dịch tại Auckland và cần một cách tiếp cận mới.

Bà Ardern cho rằng, biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao đã trở thành "kẻ thay đổi cuộc chơi" và khó loại bỏ được. Dù đã áp dụng các biện pháp hạn chế trong một thời gian dài song New Zealand vẫn không đạt mục tiêu không có ca bệnh.

Bà Ardern cho biết sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế ở Auckland vì tỷ lệ tiêm vaccine đã tăng đáng kể. Theo đó, dù Auckland vẫn phong tỏa, song chính phủ sẽ tiến hành đánh giá lại hằng tuần về thời gian dỡ bỏ các hạn chế.

Tại Singapore, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết sẽ kiên định chiến lược sống chung với dịch bệnh và điều chỉnh cách tiếp cận cho phù hợp sự biến chuyển của tình hình.

Thủ tướng Lý Hiển Long cho rằng chiến lược "không Covid" mà Singapore áp dụng trong năm 2020 là phù hợp, song sự xuất hiện của biến thể Delta đã buộc Singapore phải điều chỉnh và xác định sống chung với dịch. Trước hết, người dân Singapore phải "cập nhật" tư duy, theo đó không coi thường dịch bệnh, nhưng cũng không nên hoảng sợ. Nhóm rủi ro cao nhất là những người cao tuổi nên sớm đi tiêm vaccine hoặc tiêm mũi bổ sung khi được thông báo. Thứ hai, xác định "hồi phục tại nhà" là mặc định đối với các ca nhiễm mới đã tiêm đủ vaccine nhằm giảm áp lực cho hệ thống y tế. Thứ ba, đơn giản hóa các quy trình y tế để người dân dễ dàng tiếp cận thông tin, từ đó sẽ thực hiện tốt hơn trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm xã hội của mình.

Trong khi đó, tại Australia, chính quyền bang New South Wales (NSW) đã áp dụng quy định giảm thời gian tự cách ly đối với những người tiếp xúc gần các ca được xác định mắc Covid-19. Các quy định mới nêu rõ người có tiếp xúc gần, nếu đã tiêm đủ hai mũi vaccine phòng Covid-19, sẽ được yêu cầu xét nghiệm và tự cách ly trong 7 ngày, thay vì 14 ngày như hiện nay.

Từ tháng 11 tới, Mỹ thông báo sẽ dỡ bỏ hạn chế đi lại bằng đường hàng không tới 33 quốc gia, áp dụng với những người đã tiêm phòng vaccine đầy đủ. Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, các du khách quốc tế có giấy chứng nhận tiêm các loại vaccine phòng Covid-19 đã được các cơ quan quản lý của Mỹ hoặc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp phép có thể nhập cảnh.

Có thể thấy, sau những lúng túng ban đầu do số ca nhiễm mới tăng nhanh hơn dự báo khiến hệ thống y tế nhiều nước bị quá tải, giờ đây thế giới đã bước sang giai đoạn mới trong cuộc chiến chống Covid-19, hướng tới "sự bình thường mới" sau đại dịch.