Nhiều chỉ báo tích cực của kinh tế Mỹ

Giới chức Mỹ thừa nhận, biến thể Omicron của vi-rút SARS-CoV-2 sẽ tiếp tục tạo ra những thách thức mới, tác động đến tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ trong những tháng tiếp theo. Tuy nhiên, với nhiều chỉ báo tích cực, người Mỹ tin rằng nền kinh tế số 1 thế giới đang trên đà phục hồi mạnh mẽ.

Dịch bệnh là tác nhân tác động lớn nhất tới nền kinh tế Mỹ. Ảnh REUTERS
Dịch bệnh là tác nhân tác động lớn nhất tới nền kinh tế Mỹ. Ảnh REUTERS

Trong buổi họp báo đánh dấu một năm cầm quyền hôm 20/1, Tổng thống Mỹ Joe Biden (G.Bai-đơn) cho rằng, tình hình ứng phó dịch Covid-19 ở Mỹ đang diễn biến theo chiều hướng khả quan hơn so với một năm trước và nước Mỹ sẽ không quay trở lại tình trạng phong tỏa dù số ca nhiễm biến thể Omicron gia tăng. Lãnh đạo Nhà trắng cho rằng, với hơn 63% số người dân đã tiêm đủ liều vắc-xin ngừa Covid-19 cũng như việc tăng cường các kho dự trữ thiết bị y tế, cùng kiến thức sâu rộng giúp nước Mỹ tự tin hơn để chống dịch bệnh. Tổng thống Biden cho rằng, hiện là thời điểm thích hợp để Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hoạch định các chính sách hỗ trợ nền kinh tế lớn nhất thế giới vượt qua đại dịch.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen (G.Y-ê-len) cho rằng, biến thể Omicron gây những khó khăn nhất định, song không thể cản đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ, vốn đang trong giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ. Bộ trưởng Yellen nhận định, gói cứu trợ kinh tế do Tổng thống Biden thúc đẩy và đã được Quốc hội Mỹ thông qua năm 2021 là “liều vắc-xin” hữu hiệu đối với nền kinh tế. 350 tỷ USD đã được phân bổ giúp các cộng đồng tránh được những tác động nghiêm trọng nhất về mặt kinh tế do các biến thể mới nhất của SARS-CoV-2 gây ra. 

Nhiều doanh nghiệp, trong đó có các hãng hàng không lớn của Mỹ, dù vẫn thua lỗ song lạc quan về sự phục hồi trong năm 2022. Biến thể Omicron lây lan nhanh chóng, khiến hàng chục nghìn chuyến bay tại Mỹ phải hủy trong kỳ nghỉ lễ cuối năm 2021 và đầu năm mới 2022. Tuy nhiên, các hãng hàng không ghi nhận lượng đặt vé tăng lên nhanh chóng và sẵn sàng tăng công suất phục vụ từ giờ đến cuối năm khi triển vọng phục hồi thị trường du lịch từ sau tháng 2 tới ngày một rõ nét hơn.

Về đẩy mạnh hợp tác kinh tế, Washington dự kiến công bố những mục tiêu chung với các đối tác trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Giới chức Mỹ tiết lộ, ý tưởng ban đầu về những lĩnh vực hợp tác kinh tế được Washington đề xuất bao gồm tạo thuận lợi cho thương mại, các tiêu chuẩn kinh tế kỹ thuật số, khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng, cắt giảm các-bon và năng lượng sạch... Mỹ cùng các đối tác sẽ tiếp tục tập trung vào quá trình thiết lập những mục tiêu chung này và sẽ công bố trong những tháng tới.

Dù kỳ vọng xu hướng phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022, nhưng các chuyên gia cho rằng triển vọng tăng trưởng vẫn đối mặt những rủi ro nhất định, nhất là từ diễn biến khó lường của dịch bệnh. Các tổ chức tư vấn vẫn xếp dịch bệnh là tác nhân tiềm ẩn lớn nhất gây xáo trộn nền kinh tế Mỹ cũng như toàn cầu. Kể từ đầu năm 2022 đến nay, Mỹ đã hai lần ghi nhận hơn 1 triệu ca mắc mới Covid-19 trong một ngày. Biến thể Omicron lây lan quá nhanh, khiến nhiều nhân viên phải nghỉ việc, dẫn đến gián đoạn hoạt động của chuỗi sản xuất và phân phối. Trong khi đó, lạm phát tại Mỹ liên tục tăng và lập đỉnh hồi tháng 12/2021 ở mức 7%, mức cao nhất trong vòng 40 năm. 

FED tuyên bố sẽ phản ứng mạnh mẽ hơn nhằm bảo vệ những thành quả đạt được trong quá trình phục hồi cũng như giữ vững vị thế nền kinh tế số 1 thế giới của nước Mỹ. Cam kết của FED trong việc đưa ra những chính sách linh hoạt hơn nhằm thích ứng kịp thời với hoàn cảnh như khả năng tăng lãi suất hay giảm dần chương trình hỗ trợ doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ giúp hạ nhiệt lạm phát và tạo động lực cho nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng.