New Zealand nới lỏng một số hạn chế ở thành phố lớn nhất nước

NDO -

Ngày 20/9, New Zealand bắt đầu nới lỏng một số hạn chế phòng dịch tại Auckland, thành phố lớn nhất nước và cũng là điểm nóng nhất quốc gia châu Đại Dương này về dịch Covid-19, trong bối cảnh giới chức địa phương tuyên bố đã chặn được đà lây lan của biến thể Delta.

Phố High Street ở trung tâm của Auckland vốn nhộn nhịp giờ vắng vẻ, khi thành phố lớn nhất New Zealand đang phải áp đặt lệnh phong tỏa để hạn chế dịch bệnh lây lan. (Ảnh: Reuters)
Phố High Street ở trung tâm của Auckland vốn nhộn nhịp giờ vắng vẻ, khi thành phố lớn nhất New Zealand đang phải áp đặt lệnh phong tỏa để hạn chế dịch bệnh lây lan. (Ảnh: Reuters)

Theo đó, các hoạt động tụ tập đông người được cho phép với tối đa 10 người tham dự đám tang và đám cưới, trong khi các doanh nghiệp vận chuyển có thể cung cấp dịch vụ giao, nhận hàng không tiếp xúc, bao gồm cả dịch vụ bán đồ mang đi.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết, dù một số hạn chế sẽ được nới lỏng, Auckland vẫn sẽ phải áp đặt lệnh phong toả cấp độ 3 thêm ít nhất hai tuần nữa.

Hiện thành phố này đã được hạ từ mức phong tỏa cao nhất cấp độ 4 kéo dài từ giữa tháng 8 xuống cấp độ 3, trong khi các khu vực còn lại của đất nước đang áp dụng mức cảnh báo cấp độ 2.

Bà Ardern cho biết giới chức nước này đã chặn được đà lây lan của biến thể Delta: “Chúng tôi tự tin rằng không còn chuỗi lây nhiễm quy mô lớn nào mà chưa bị phát hiện. Tuy vậy, vẫn còn nhiều việc phải làm để dập dịch và đó là lý do tại sao Auckland vẫn phải phong tỏa ở cấp độ 3".

Dù một số hạn chế đã được nới lỏng, trường học và văn phòng vẫn phải đóng cửa, còn các cơ sở kinh doanh chỉ được phép hoạt động với các dịch vụ không tiếp xúc.

Khoảng 1,7 triệu dân ở thành phố trung tâm của đợt bùng phát do biến thể Delta gây nên sẽ phải tiếp tục ở yên trong nhà, tuân thủ quy tắc "bong bóng" của riêng mình, như không được phép thăm bạn bè, hàng xóm, hoặc để trẻ em chơi cùng nhau.

Thủ tướng Ardern cho biết thêm, các hạn chế tại Auckland sẽ được tiếp tục nhằm bảo đảm lây nhiễm do biến thể Delta không lan rộng, theo chiến lược “không ca nhiễm” mà nước này theo đuổi từ đầu dịch.

Theo bà Ardern, các đợt phong tỏa và đóng cửa biên giới đã giúp kiềm chế dịch Covid-19, và chính phủ cũng đang lên kế hoạch mở lại biên giới theo từng giai đoạn vào đầu năm tới.

Trong ngày hôm nay, New Zealand đã ghi nhận 22 ca mắc mới, tất cả đều ở Auckland. Tổng số ca nhiễm là 3.725 ca, với 27 ca tử vong.

Trong khi đó, bang New South Wales ở nước láng giềng Australia hôm nay ghi nhận mức tăng thấp nhất cho các ca mắc mới hàng ngày trong hơn ba tuần qua, trong bối cảnh một số hạn chế đã được nới lỏng ở Sydney, thành phố thủ phủ của bang, đi kèm với tỷ lệ tiêm chủng tăng cao.

Thủ hiến bang New South Wales, Gladys Berejiklian cho biết, có 935 ca mắc mới đã được báo cáo trong ngày, mức thấp nhất kể từ ngày 27/8, giảm so với 1.083 ca mắc ghi nhận hôm chủ nhật. Bang này cũng có thêm bốn ca tử vong do Covid-19.

Bà Berejiklian cho biết, mặc dù tình hình khả quan hơn so với vài tuần trước, song người dân không nên chủ quan bởi tình trạng tồi tệ nhất vẫn chưa tới. Bà cảnh báo khả năng có thêm nhiều ca tử vong trong những ngày tới, đặt ra thách thức lớn đối với hệ thống y tế địa phương.

Gần một nửa trong số 25 triệu dân số Australia đang được đặt dưới lệnh phong tỏa, sau khi biến thể Delta lây lan nhanh chóng ở Sydney và Melbourne, hai thành phố lớn nhất nước, buộc giới chức địa phương phải từ bỏ chiến lược “không ca nhiễm” và chuyển sang tăng tốc tiêm chủng để nới lỏng dần các hạn chế.

Khi việc triển khai tiêm vaccine đạt tốc độ nhanh chóng, với 53% dân số trưởng thành của bang được tiêm chủng đầy đủ, một số hạn chế đã được nới lỏng vào đầu tuần này tại 12 vùng ngoại ô bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở phía tây Sydney. Người dân đã được phép tập thể dục ngoài trời, trong khi những người được tiêm chủng đầy đủ có thể tụ tập ở nơi công cộng với tối đa năm người.

Ở tiểu bang lân cận Victoria, hôm nay ghi nhận thêm một ca tử vong và 567 ca nhiễm mới, mức tăng hàng ngày cao nhất trong năm nay, chỉ một ngày sau khi địa phương công bố lộ trình mở cửa trở lại khi tỷ lệ tiêm chủng đạt 70%. Dự kiến tỷ lệ này sẽ đạt được vào cuối tháng sau. Cho đến nay, mới có 44% người dân trong bang đã được tiêm chủng đầy đủ, dưới mức trung bình của cả nước là 47%.

Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin cho biết, quốc gia Đông Nam Á này đã chính thức triển khai chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cho thanh thiếu niên vào ngày 20/9.

New Zealand nới lỏng một số hạn chế ở thành phố lớn nhất nước -0

Tiêm vaccine ngừa Covid-19 ở Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 12/7/2021. (Ảnh: Reuters) 

Bộ trưởng Khairy nhận định, chương trình hướng tới 3,2 triệu thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 12-18 được tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19.

Chính phủ Malaysia cũng đặt mục tiêu 80% học sinh hoàn thành chương trình tiêm chủng trước khi năm học 2022 bắt đầu, trong đó ưu tiên cho 1,1 triệu học sinh trong độ tuổi từ 16-17 hiện tham gia kỳ thi cuối cấp.

Số học sinh này sẽ được tiêm vaccine của hãng Pfizer (Mỹ) trong khi Bộ Y tế Malaysia nghiên cứu việc sử dụng vaccine của Sinovac (Trung Quốc) cho thanh thiếu niên.

Ở châu Âu, Chính phủ Thụy Điển ngày 20/9 thông báo, nước này sẽ tăng ngân sách chi cho phúc lợi xã hội thêm 23 tỷ crown (khoảng 2,6 tỷ USD) vào năm tới trong dự thảo ngân sách, nhằm thu hẹp bất bình đẳng xã hội và chuyển hướng xây dựng một nền kinh tế ổn định hơn sau đại dịch Covid-19.

So với phần lớn các quốc gia châu Âu khác, kinh tế Thụy Điển đã lấy lại đà tăng trưởng nhanh hơn sau ảnh hưởng của dịch Covid-19. Dự kiến, Thụy Điển sẽ bơm 74 tỷ crown vào nền kinh tế. Kinh tế Thụy Điển được dự báo sẽ tăng trưởng 4,4% trong năm nay và 3,5% trong năm 2022 - thời điểm nước này tiến hành tổng tuyển cử.

Thế giới bước vào làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới