Lượng khí đốt của Nga đến châu Âu giảm theo yêu cầu khách hàng

Theo yêu cầu của khách hàng, việc vận chuyển khí đốt của Nga đến châu Âu qua đường ống Yamal-Europe ngày 7/4 đảo ngược hướng để chảy từ Đức sang Ba Lan và nguồn cung qua Ukraine cũng giảm.

Một trạm khí đốt tự nhiên hóa lỏng tại Dortmund (Đức). (Ảnh: AFP/TTXVN)
Một trạm khí đốt tự nhiên hóa lỏng tại Dortmund (Đức). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Dữ liệu từ nhà điều hành đường ống Gascade (Đức) cho thấy dòng khí đốt chuyển sang hướng Đông đến Ba Lan tại điểm đo Mallnow ở biên giới Đức-Ba Lan vào sáng ngày 7/4 sau khi chảy sang hướng tây trong đêm.

Theo hãng tin Interfax, tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga tiếp tục cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua Ukraine theo yêu cầu của người tiêu dùng châu Âu, giảm từ 108,4 triệu m3 của ngày hôm trước đó xuống 105,4 triệu m3.

Dòng khí đốt chảy đến Đức thông qua đường ống “Dòng chảy phương Bắc 1” (Nord Stream 1) qua biển Baltic ngày 7/4 ở mức 73.165.350 kWh/h, gần như không thay đổi so với 24 giờ trước đó.

Thị trường khí đốt châu Âu vẫn lo ngại dòng khí đốt từ Nga, vốn chiếm khoảng 40% nguồn cung của châu Âu, có thể ngừng khi phương Tây áp đặt thêm các lệnh trừng phạt Nga do liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Trong khi né tránh lệnh trừng phạt đối với dầu và khí đốt, các nước Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ thông qua lệnh cấm đối với than đá của Nga và dự kiến có hiệu lực từ giữa tháng Tám.

Nhà ngoại giao hàng đầu của EU Josep Borrell cho biết, lệnh trừng phạt có thể được thông qua ngày 7 hoặc ngày 8/4 và EU cũng sẽ thảo luận về lệnh cấm vận đối với dầu mỏ của Nga.

Phần Lan và Estonia đã trở thành các quốc gia thành viên châu Âu mới nhất thông báo ý định ngừng nhập khẩu khí đốt từ Nga bằng cách lập kế hoạch nối một bến cảng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) nổi.

Trước đó, Lithuania (Litva) thông báo sẽ ngừng hoàn toàn việc nhập khẩu khí đốt từ Nga và trở thành quốc gia tiên trong số 27 quốc gia thành viên EU có động thái này.

Vẫn có những câu hỏi về việc có bao nhiêu quốc gia có thể đồng ý với yêu cầu của Nga về việc trả tiền khí đốt bằng đồng ruble kể từ tháng Tư.

Ngày 6/4, Hungary đã trở thành quốc gia thành viên EU đầu tiên cho biết sẵn sàng thanh toán bằng đồng ruble của Nga và các công ty mua khí đốt từ nhà sản xuất Nga Gazprom đang chờ hướng dẫn của chính phủ.