Lính gìn giữ hòa bình của LHQ bị tấn công ở Nam Sudan

NDO -

NDĐT - Đại sứ Ấn Độ tại LHQ Asoke Mukerji cho biết, ba lính gìn giữ hòa bình người Ấn Độ đã bị thiệt mạng trong một vụ tấn công vào doanh trại của LHQ ở bang Jonglei, Nam Sudan.

Lính gìn giữ hòa bình của LHQ bị tấn công ở Nam Sudan

Các phiến quân người Nuer, nhóm người thiểu số lớn thứ hai ở Nam Sudan, đã tấn công vào doanh trại của LHQ vào ngày 19-12, với mục tiêu là các dân thường thuộc cộng đồng dân tộc Dinka chiếm đa số ở quốc gia này.

Khi vụ tấn công xảy ra, trong doanh trại của LHQ ở thị trấn Akobo có khoảng 43 lính gìn giữ hòa bình người Ấn Độ đang đóng quân. Một người phát ngôn của LHQ nói rằng những kẻ tấn công, chủ yếu là các thanh niên, đã tấn công 32 dân thường Dinka đang trú ẩn trong doanh trại.

Phó Tổng Thư ký LHQ Jan Eliasson đã lên án vụ tấn công và cho biết LHQ sẽ bố trí lại lực lượng tại doanh trại Akobo sớm nhất vào ngày 20-12, với 60 binh sĩ được điều đến từ Malaka.

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cũng bày tỏ sự lo ngại về nguy cơ một cuộc nội chiến sẽ xảy ra ở Nam Sudan giữa những người Dinka và người Nuer. Ông Ban nói rằng ông “lo ngại sâu sắc về những thông tin về các vụ xung đột bạo lực, sự vi phạm quyền con người và giết chóc bị kích động bởi các căng thẳng sắc tộc đang ngày một gia tăng tại nhiều vùng ở Nam Sudan”.

Nam Sudan đã chìm trong sự hỗn loạn kể từ khi Tổng thống Salva Kiir cáo buộc cựu phó tổng thống Riek Machar có âm mưu đảo chính. Từ ngày 15-12, các vụ xung đột đã khởi phát ở thủ đô Juba, sau đó đã lan ra khắp cả nước làm ít nhất 500 người chết.

Ông Kiir, một người thuộc dân tộc Dinka, đã đổ lỗi cho một nhóm binh lính ủng hộ ông Machar, một người Nuer, là những người đã gây ra tình trạng bạo lực hiện nay. Ông cáo buộc những binh lính này đã tìm cách lật đổ chính phủ vào đêm ngày 15-12 trong một âm mưu đảo chính do ông Machar lãnh đạo. Tuy nhiên, ông Machar đã bác bỏ cáo buộc này.

Tuy nhiên, chính phủ nước này khẳng định rằng các vụ xung đột chủ yếu có nguyên nhân quyền lực và chính trị và lưu ý rằng cả hai bên tham gia xung đột đều có các thủ lĩnh của các bộ lạc khác nhau. Hiện LHQ đang bảo vệ cho hơn 30 nghìn dân thường tại thủ phủ năm bang của Nam Sudan, trong đó có Juba và Bor.

LHQ cũng kêu gọi các bên đối thoại để chấm dứt cuộc khủng hoảng. Còn chính phru Uganda cho biết tổng thống nước này đã yêu cầu LHQ làm trung gian hòa giải giữa các bên. Trước đó, một đoàn đại biểu các ngoại trưởng Đông Phi đã tới Juba để tìm cách hòa giải và chấm dứt cuộc khủng hoảng.

Kể từ khi giành được độc lập vào năm 2011 tới nay, Nam Sudan vẫn chưa thể thành lập được một chính phủ ổn định do những chia rẽ về chính trị và sắc tộc.