Lào tập trung phát triển thương mại điện tử

NDO -

Thương mại kiểu mới hay thương mại điện tử (E-Commerce) có vai trò rất lớn trong hệ thống kinh tế số, nhưng việc phát triển thương mại điện tử của Lào vẫn ở trong giai đoạn đầu. Hiện nay tại Lào, nhiều đơn vị kinh doanh như các ngân hàng, các tổ chức tài chính đã áp dụng thương mại điện tử trong các lĩnh vực kinh doanh, do đó có thể đi nhanh hơn các quy định quản lý và khuyến khích thương mại điện tử.

Bàn giao và đưa vào sử dụng Hệ thống đăng ký thông tin và quản lý hộ tịch của công ty Star Telecom với Bộ Nội vụ Lào.
Bàn giao và đưa vào sử dụng Hệ thống đăng ký thông tin và quản lý hộ tịch của công ty Star Telecom với Bộ Nội vụ Lào.

Chính vì vậy, việc nghiên cứu, ban hành các luật nhằm khuyến khích thương mại điện tử đang được Chính phủ Lào tập trung đẩy mạnh.

Báo cáo nghiên cứu chính sách phát triển thương mại điện tử tại Lào của Viện Nghiên cứu kinh tế thương mại, Bộ Công thương Lào đã chỉ ra bốn yếu tố quan trọng đối với việc phát triển thương mại điện tử tại Lào, gồm: Cơ sở hạ tầng kinh doanh điện tử (E-Business Infrastructure); việc bảo vệ thông tin dữ liệu; thanh toán điện tử (E-Payment) và các quy định.

Đối với E-Business Infrastructure là một yếu tố nền tảng đối với thương mại điện tử, cần thiết phải có hệ thống ICT bảo đảm tương đương hoặc gần với quốc tế, internet bảo đảm tốc độ cao, ổn định, người dân phải tiếp cận và biết sử dụng điện thoại thông minh thông qua hệ thống kỹ thuật số (Digital) nhiều hơn. Tuy nhiên, khi so sánh chỉ số này với các nước ASEAN thấy rằng, Lào vẫn ở mức thấp so với một số nước.

Việc bảo mật thông tin, đến nay, Lào đã có các quy định liên quan việc bảo mật thông tin trong nước đã được thông qua như: Luật về tội phạm internet, Luật chữ ký điện tử (2019), Luật bảo mật thông tin điện tử (2017), Luật giao dịch điện tử (2012), Luật công nghệ thông tin và truyền thông (2016). Các luật này là công cụ cơ bản đối với việc quản lý thông tin kỹ thuật số liên quan thương mại điện tử để bảo đảm sự tin tưởng giữa người mua và người bán, tạo sự công bằng và môi trường thuận lợi cho kinh doanh.

Để việc bảo vệ dữ liệu thông tin giữa các nhà kinh doanh có hiệu quả hơn, việc tạo ra sự hiểu biết và nhận thức của công chúng về các quy định liên quan đến bảo mật thông tin dữ liệu là việc làm có ý nghĩa quan trọng thông qua việc tổ chức phổ biến thông tin về các quy định, tập huấn, tổ chức các diễn đàn trao đổi giữa nhà kinh doanh và Chính phủ.

Về E-Payment, hiện Lào đã có hệ thống thanh toán điện tử (EDP), về phía nhà cung ứng được phát triển nhanh, nổi bật. Ngược lại, về phía người sử dụng như doanh nghiệp và người tiêu dùng vẫn sử dụng hệ thống thanh toán cũ (thanh toán bằng tiền mặt) và thiếu cơ sở hạ tầng hỗ trợ. Do đó, việc phát triển hệ thống thanh toán trực tuyến vẫn đang phát triển chậm so với thực tế tình hình mua bán trực tuyến hiện nay.

Có thể thấy rằng, thương mại điện tử ở Lào phần lớn thực hiện nhiệm vụ cung cấp thông tin về sản phẩm, dịch vụ, tuyên truyền và phương thức đặt mua hàng; các hình thức thanh toán điện tử thông qua tùy chọn thẻ tín dụng/thẻ visa còn hạn chế; các doanh nghiệp cũng chưa thực sự hiểu về việc sử dụng thanh toán kỹ thuật số; ngoài ra, phí đăng ký và phí dịch vụ còn cao so với các nước trong khu vực.

Một số quy định hỗ trợ vẫn còn mới, các chủ thể kinh doanh có thể chưa hiểu và tổ chức thực hiện một cách thống nhất; đặc biệt, là Nghị định thương mại điện tử ban hành năm 2021 và một số quy định liên quan khác. Ngoài ra, còn một số văn bản pháp lý liên quan đến quản lý và khuyến khích thương mại điện tử của Lào phát triển chậm hơn các nước ASEAN mới trong khi nhiều nước ASEAN cũ đã hoàn thành việc nâng cấp các quy định thành luật thương mại điện tử.

Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ngoài vấn đề cơ sở hạ tầng và các quy định liên quan quản lý, khuyến khích thương mại điện tử còn hạn chế, vấn đề về nguồn nhân lực cũng là một vấn đề quan trọng mang tính quyết định. Vấn đề nguồn nhân lực có khả năng sử dụng hệ thống kỹ thuật số cả trong lĩnh vực quản lý vĩ mô và kinh doanh là chìa khóa quan trọng để bảo đảm đất nước có những lợi ích cao nhất từ sự thay đổi của hệ thống kinh tế - thương mại trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đây là vấn đề mà Lào đang còn hạn chế.

Báo cáo kết quả nghiên cứu chỉ ra một số vấn đề mà Lào cần phải tập trung, quan tâm để phát triển thương mại điện tử thời gian tới như: Khẩn trương triển khai Nghị định về thương mại điện tử một cách rộng rãi và sâu rộng trong xã hội; việc kinh doanh mua bán trực tuyến phải tham gia vào hệ thống các quy định để bảo đảm công bằng, đóng góp nghĩa vụ cho Nhà nước; khuyến khích và phát triển cơ sở hạ tầng kinh doanh cho phù hợp với tình hình phát triển kinh doanh, đi đôi với bảo đảm phát triển nguồn nhân lực tương xứng; các cơ quan chuẩn bị sẵn sàng bảo vệ người tiêu dùng và theo dõi, kiểm tra việc cạnh tranh về thương mại bảo đảm công bằng; tạo điều kiện cho thương mại qua biên giới bằng cách tăng cường các hoạt động thương mại điện tử giữa các nước, đồng thời, bảo đảm an toàn bằng cách có hệ thống kiểm tra hàng hóa xuất -  nhập cảnh hiện đại.

Hiện, Lào đã xây dựng xong kế hoạch chiến lược phát triển ICT, theo đó hoàn thành xây dựng cơ sở hạn tầng ICT thiết yếu và cơ sở pháp lý để phát triển thương mại điện tử tại Lào vào năm 2025.

Tuy nhiên, nhìn chung đến nay, các giao dịch thương mại điện tử tại Lào đã hình thành trong xã hội nhưng ở mức thấp. Ở cấp quản lý nhà nước, một trong những công ty tiên phong trong lĩnh vực này tại Lào là Star Telecom, công ty liên doanh của Viettel với một công ty của Lào.

Thời gian qua, Star Telecom đã có nhiều đóng góp cho Chính phủ Lào trong lĩnh vực công nghệ, thông tin, chuyển đổi số và Chính phủ điện tử mà gần đây là đưa vào sử dụng Hệ thống đăng ký thông tin và quản lý hộ tịch điện tử của Bộ Nội vụ, hay thử nghiệm dịch vụ U-Money vào việc thanh toán tiền lương cho cán bộ, công chức với Kho bạc Nhà nước Lào… nhằm hướng tới mục tiêu phát triển Chính phủ số tại Lào.