Lào siết chặt quản lý lao động người nước ngoài

NDO -

Lào đang tiến hành tăng cường công tác quản lý lao động người nước ngoài cũng như lao động người Lào, nhất là tại các đặc khu kinh tế nhằm quản lý chặt số lượng lao động, phục vụ việc điều hành lao động nhằm giảm số lượng lao động thất nghiệp, tăng truy thu thuế cũng như xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật.

Một khu vực sản xuất công nghiệp tại Lào.
Một khu vực sản xuất công nghiệp tại Lào.

Mới đây, tại hội nghị bàn về việc sử dụng lao động Lào và lao động nước ngoài tại Đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng, tỉnh Bokeo, phía bắc Lào, bà Baykham Khattiya, Bộ trưởng Lao động và Phúc lợi xã hội Lào cho biết, việc đăng ký lao động sẽ giúp thu thập được thông tin về người lao động đang làm việc tại Đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng tỉnh Bokeo như số lao động hợp pháp, bất hợp pháp, lao động thất nghiệp, lao động không có đầu mối trực thuộc, lao động có nguyện vọng tiếp tục ở lại làm việc và số có nguyện vọng trở về nước cũng như những lao động cần phải bồi dưỡng tay nghề, kỹ năng lao động. Trên cơ sở thông tin thu thập được, Chính phủ Lào sẽ có những quy định, cơ chế giải quyết vấn đề một cách đúng đắn, bao gồm cả hợp tác song phương để giải quyết vấn đề lao động bất hợp pháp.

Đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng hiện đang sử dụng hàng chục nghìn lao động cả người nước ngoài và người Lào và theo đánh giá của Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào, thời gian tới số lao động lên tới hàng trăm nghìn người và hiện nay, việc sử dụng lao động tại đây chưa tuân thủ đúng pháp luật và các quy định liên quan của Lào.

Ngày 26/10, một số tờ báo tại Lào cũng cho biết, Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào hiện vẫn chưa thể thu thập được thông tin về thực tế số lượng lao động Lào và lao động nước ngoài làm việc tại Đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng bao gồm cả số lao động hợp pháp, bất hợp pháp và quốc tịch của số lao động nói trên. Đồng thời, Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào cũng chưa thể giám sát và quản lý người lao động tại đây, đặc biệt là về hợp đồng lao động, thu nhập, phúc lợi xã hội và bảo trợ xã hội.

Liên quan việc thắt chặt, quản lý số lao động này, Bộ trưởng Lao động và Phúc lợi xã hội Lào Baykham Khattiya cho biết thêm, việc đăng ký lao động sẽ được tổ chức thực hiện trên cả nước nhằm đưa lao động người Lào, lao động người nước ngoài làm việc ở các doanh nghiệp, dự án, tổ chức vào cơ sở dữ liệu lao động để cung cấp cho ngành tài chính sử dụng làm cơ sở dữ liệu tính thuế thu nhập theo quy định của luật lao động và luật quản lý thuế, luật thuế giá trị gia tăng, luật thuế tiêu dùng một cách đúng đắn và minh bạch. Để đạt được các mục tiêu nêu trên, các ngành liên quan phải cùng hợp tác và tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký lao động.

Theo thống kê, năm 2020, tỷ lệ lao động thất nghiệp của Lào là 443 nghìn người (20%), còn trong năm nay, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại Lào, với 17/18 tỉnh, thành phố có số ca nhiễm Covid-19, số lượng lao động thất nghiệp cũng tăng cao, Chính phủ Lào phải khẩn trương tìm kiếm biện pháp giải quyết để hỗ trợ số lao động không có việc làm. Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào đã phối hợp các dự án đầu tư trong nước và nước ngoài, các đặc khu kinh tế, các đầu mối lao động để thu thập thông tin về vị trí việc làm, tổ chức tập huấn tay nghề cho người lao động nhằm đáp ứng nhu cầu của các cơ sở sử dụng lao động nói trên, trường hợp người lao động có mục đích tiếp tục đi lao động ở nước ngoài sẽ giải quyết theo quy định của pháp luật.

Hiện Lào có 13 đặc khu kinh tế trên cả nước, trong đó đa số là Đặc khu kinh tế của Trung Quốc đầu tư tại Lào. Việc tổ chức đăng ký lao động sẽ giúp cho Chính phủ Lào kiểm soát được số lao động Lào và người lao động nước ngoài đang làm việc tại Lào, nhất là đối với những đặc khu kinh tế, từ đó để có những biện pháp phù hợp nhằm giải quyết vấn đề lao động thất nghiệp và xử lý số lao động nước ngoài bất hợp pháp tại Lào.