Lào hỗ trợ lao động ngành may mặc gặp khó khăn do Covid-19

NDO -

Hơn 20 nghìn lao động Lào làm việc trong lĩnh vực may mặc bị ảnh hưởng vì Covid-19 đã nhận được hỗ trợ thu nhập khẩn cấp một lần nhằm giảm bớt những khó khăn trong cuộc sống.

Lao động Lào làm việc trong lĩnh vực may mặc đang bị ảnh hưởng nhiều do Covid-19. (Ảnh: Xuân Sơn)
Lao động Lào làm việc trong lĩnh vực may mặc đang bị ảnh hưởng nhiều do Covid-19. (Ảnh: Xuân Sơn)

Chương trình hỗ trợ này được thực hiện thông qua Cơ quan Bảo hiểm xã hội quốc gia Lào với sự hỗ trợ vốn của Bộ Hợp tác và Phát triển kinh tế của Đức (BMZ) và sự hỗ trợ về chuyên môn của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).

Những lao động Lào trong ngành may mặc, bao gồm những người không có điều kiện nhận được hỗ trợ từ Chính phủ do không tham gia bảo hiểm xã hội hoặc tham gia dưới 12 tháng nằm trong diện được hỗ trợ.

Theo Cơ quan Bảo hiểm xã hội quốc gia Lào, 20.698 lao động làm việc trong 47 nhà máy của Lào đã được nhận mỗi người 900 nghìn LAK (kíp Lào) và chương trình tiến hành từ tháng 3/2021 đến tháng 10/2022 với tổng số tiền 18,62 tỷ LAK, tương đương 1,85 triệu USD.

Mới đây, tại hội nghị trực tuyến tổng kết chương trình với sự tham gia của Cơ quan Bảo hiểm xã hội quốc gia Lào và Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào và ILO, đại diện phía Lào khẳng định, chương trình được tổ chức thực hiện bằng việc sử dụng hệ thống và cơ chế của Cơ quan Bảo hiểm xã hội quốc gia, giúp giảm bớt chi phí quản lý và đẩy nhanh tốc độ tổ chức thực hiện, đồng thời cũng làm giảm bớt căng thẳng về tài chính cho việc hỗ trợ thất nghiệp trong nước.

Chương trình được xây dựng phù hợp các tiêu chuẩn quốc tế về bảo hiểm xã hội; đồng thời có giám sát, kiểm tra chung giữa Chính phủ Lào, đại diện nhà sử dụng lao động, đại diện người lao động. Ngoài ra, Hiệp hội may mặc Lào (ALGI), Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào (LTF) đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng chương trình và hỗ trợ việc tổ chức thực hiện.

Ông Graeme Buckley, Giám đốc Văn phòng ILO tại Thái Lan, Campuchia và Lào cho biết, ILO rất vui mừng khi thấy sự hỗ trợ lần này giúp cho người lao động và nhà kinh doanh có thể duy trì hoạt động trong thời điểm khó khăn. Quan trọng hơn là việc hỗ trợ này còn bao gồm cả người lao động không nằm trong điều kiện được hỗ trợ thất nghiệp và các ngành đã cùng nỗ lực, cố gắng để không ai bị bỏ lại phía sau.

Năm 2020, tỷ lệ lao động thất nghiệp tại Lào đã lên đến 443 nghìn người, chiếm hơn 20% lao động; trong đó, số lao động thất nghiệp thường xuyên là 199 nghìn người. Lao động thất nghiệp cũng như có việc làm đều bị ảnh hưởng nhiều do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19. Vì vậy, việc các nước và tổ chức quốc tế tiếp tục hỗ trợ Lào sẽ giúp người lao động Lào giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.