Lạm phát khu vực đồng Euro đạt mức cao kỷ lục mới trong tháng 3

NDO -

Lạm phát khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tăng lên mức cao kỷ lục mới là 7,5% trong tháng 3/2022, trong bối cảnh các chuyên gia kinh tế dự báo phải mất nhiều tháng nữa lạm phát tại khu vực này mới đạt đỉnh.

Người mua sắm xếp hàng trước cửa hàng điện tử Saturn trên đại lộ Tauentzienstrasse ở Berlin, Đức, ngày 14/12/2020. (Ảnh: Reuters)
Người mua sắm xếp hàng trước cửa hàng điện tử Saturn trên đại lộ Tauentzienstrasse ở Berlin, Đức, ngày 14/12/2020. (Ảnh: Reuters)

Số liệu mới được Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố ngày 1/4 cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng ở khu vực gồm 19 quốc gia cùng sử dụng đồng Euro đã tăng tốc từ 5,9% trong tháng 2 lên 7,5% trong tháng 3, vượt xa mức dự báo trước đó là 6,6%, gây áp lực lên Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong nỗ lực kiềm chế giá cả tăng cao khi tăng trưởng chậm lại rõ rệt.

Nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng này là xung đột ở Ukraine và các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga đã đẩy giá nhiên liệu và khí đốt tự nhiên lên mức cao kỷ lục.

Dù năng lượng là nguyên nhân chính khiến lạm phát tăng vọt, song lạm phát giá lương thực, dịch vụ và hàng hóa đều vượt mục tiêu kiềm chế ở mức 2% của ECB, cho thấy tốc độ tăng giá ngày càng lan theo chiều rộng và không chỉ phản ánh giá dầu đắt đỏ.

Trong khi đó, lạm phát không bao gồm giá thực phẩm và nhiên liệu biến động đã tăng từ 2,9% lên 3,2%, trong khi lạm phát sau khi tách riêng các sản phẩm rượu và thuốc lá cũng tăng từ 2,7% lên 3,0%.

Mục tiêu chính của ECB là kiềm chế lạm phát ở mức 2%, nhưng các chuyên gia cho rằng, chính sách thắt chặt hiện nay sẽ có nguy cơ làm sụp đổ nền kinh tế vốn đang lao đao vì hậu quả của xung đột ở Ukraine và tác động kéo dài của đại dịch Covid-19.

ECB ước tính tăng trưởng của Eurozone trong quý đầu tiên năm nay là tích cực nhưng ở mức thấp, trong khi tăng trưởng trong quý thứ hai sẽ gần bằng 0, do giá năng lượng cao làm giảm tiêu thụ và ảnh hưởng đến đầu tư của doanh nghiệp.

Điều đó cho thấy khối đang ở rất gần trạng thái lạm phát đình trệ, tức vừa chứng kiến lạm phát tăng nhanh cùng với tăng trưởng trì trệ.

Đặc biệt, trong bối cảnh ECB dự báo vẫn còn từ 3 đến 4 tháng nữa lạm phát mới đạt đỉnh, tình trạng lạm phát cao có thể buộc ngân hàng này phải sớm thắt chặt chính sách tiền tệ và tăng lãi suất.

Trước lo ngại tốc độ tăng giá nhanh đang dần trở thành xu thế phổ biến, các thống đốc ngân hàng trung ương ở Áo và Hà Lan đã kêu gọi tăng lãi suất ngay trong năm nay.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Đức, ông Joachim Nagel cho biết: “Số liệu về lạm phát đã tự nói lên điều đó. Chính sách tiền tệ cần phải được điều chỉnh để đề ra các biện pháp ứng phó kịp thời”.

Chuyên gia Jack Allen-Reynolds tại công ty tư vấn nghiên cứu kinh tế Capital Economics nhận định, các số liệu mới nhất cho thấy áp lực tăng giá vẫn còn rất cao, vì vậy có khả năng lạm phát cơ bản sẽ tiếp tục tăng. Do đó, ông cho rằng ECB sẽ sớm bắt đầu tăng lãi suất.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng nhận định có khả năng ECB sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ trong năm nay, nhưng chỉ với mức tăng lãi suất nhỏ, khoảng 60 điểm cơ bản trong đợt tăng lãi suất vào cuối năm nay.