Kinh tế Đức dự báo tăng trưởng mạnh trong năm 2022

NDO -

Các viện kinh tế hàng đầu của Đức ngày 14/10 hạ dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2021 của nền kinh tế lớn nhất châu Âu xuống còn 2,4%, song nâng dự báo cho năm tới thêm 0,9 điểm phần trăm, lên mức 4,8%.

Quang cảnh nhà máy nhiệt điện RWE, một trong những nhà máy điện lớn nhất châu Âu ở Neurath, tây bắc Cologne, Đức. (Ảnh: Reuters)
Quang cảnh nhà máy nhiệt điện RWE, một trong những nhà máy điện lớn nhất châu Âu ở Neurath, tây bắc Cologne, Đức. (Ảnh: Reuters)

Theo đó, các viện RWI, DIW, Ifo, IfW và IWH thống nhất cắt giảm 1,3 điểm phần trăm trong dự báo tăng trưởng năm nay, từ mức 3,7% xuống còn 2,4%, với lý do do tắc nghẽn nguồn cung gây cản trở hoạt động sản xuất.

Nhưng các viện này cũng nâng dự báo cho năm 2022 từ 3,9% lên mức 4,8%, cho rằng nền kinh tế Đức sẽ phục hồi về mức bình thường như trước đại dịch trong năm sau, khi các tác động của dịch Covid-19 dần giảm bớt.

Hoạt động sản xuất toàn cầu đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu linh kiện, tắc nghẽn hàng hóa ở các cảng và thiếu container chở hàng. Một cuộc khủng hoảng thị trường lao động cũng làm xấu đi quá trình phục hồi kinh tế thế giới sau các lệnh hạn chế áp dụng để phòng dịch kể từ năm ngoái.

Bộ Kinh tế Đức dự báo, GDP nước này có khả năng tăng trong quý III nhờ mảng dịch vụ phục hồi, mặc dù tăng trưởng dự kiến sẽ chậm lại vào cuối năm 2021.

Chính phủ Đức cũng không đặt kỳ vọng lạm phát sẽ giảm cho đến năm sau. Tỷ lệ lạm phát hiện đang ở 4,1%, mức cao nhất kể từ năm 1993, chủ yếu do chi phí năng lượng tăng đáng kể.

Theo năm viện trên, dự báo lạm phát của Đức sẽ lần lượt là 2,5% vào năm 2022 và 1,7% cho năm 2023.

Giả định rằng chính sách tiền tệ có thể giúp đạt được mục tiêu ổn định giá cả trong trung hạn, tỷ lệ lạm phát trung bình so với giá tiêu dùng sẽ là 2% mỗi năm, Phó Chủ tịch IWH Oliver Holtemoeller cho biết.

Ông Holtemoeller cũng cho rằng, những thách thức của biến đổi khí hậu và tăng trưởng kinh tế thấp hơn dự báo do thiếu nguồn cung lao động có thể sẽ dẫn đến giảm chi tiêu.

Dự báo lạm phát hiện tại dựa trên giả định rằng tiền lương sẽ tăng 2 điểm phần trăm lên 2,5% trong vài năm tới. Nếu tiền lương tăng nhiều hơn mức đó như các công đoàn đề xuất, điều này sẽ thay đổi tình hình đáng kể và dẫn đến tỷ lệ lạm phát cao, theo các viện trên.