Hướng tới APEC rộng mở, kết nối và cân bằng

Tiếp nối những thành công của New Zealand, Thái Lan bắt đầu đảm nhiệm vai trò chủ nhà Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) trong năm 2022.

Các hội nghị trong Năm APEC 2022 dự kiến diễn ra trực tiếp tại Thái Lan. Ảnh APEC.ORG
Các hội nghị trong Năm APEC 2022 dự kiến diễn ra trực tiếp tại Thái Lan. Ảnh APEC.ORG

Với chủ đề Năm APEC 2022 là “Rộng mở-Kết nối-Cân bằng”, Thái Lan cùng các nền kinh tế thành viên tiếp tục chèo lái con thuyền APEC về phía trước vì một khu vực rộng mở, năng động, tự cường, hòa bình và thịnh vượng.

Theo Bí thư Thường trực Ngoại giao Thái Lan, Chủ tịch Hội nghị các quan chức cấp cao APEC 2022 Thani Thongphakdi (Tha-ni Thong-pắc-đi), sẽ có sự nối tiếp từ các mục tiêu ưu tiên của New Zealand sang Năm APEC 2022. Trong năm 2022, Thái Lan sẽ cùng các nền kinh tế thành viên của Diễn đàn nỗ lực mở ra mọi cơ hội hợp tác, kết nối ở mọi khía cạnh và cân bằng trên mọi lĩnh vực, phù hợp với Kế hoạch hành động triển khai Tầm nhìn APEC đến năm 2040.

Các ưu tiên của Thái Lan được thể hiện rõ trong chủ đề của Năm APEC 2022. “Rộng mở” nghĩa là mở mọi cơ hội. Theo đó, các nền kinh tế thành viên APEC sẽ tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực, trong đó hướng tới Khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP). “Kết nối” thể hiện sự gắn kết giữa các thành viên APEC, là phương tiện để thúc đẩy phục hồi kinh tế. Nhằm kết nối lại khu vực, Thái Lan sẽ cùng các thành viên APEC nỗ lực khôi phục hoạt động du lịch xuyên biên giới an toàn, liền mạch, tạo thuận lợi cho các hoạt động kinh tế; đồng thời thúc đẩy quá trình số hóa nhằm tăng cường kết nối trên mọi phương diện. Ông Thani Thongphakdi nhận định, dần bước ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế và y tế, các nền kinh tế APEC cần thúc đẩy tăng trưởng bao trùm, cân bằng và bền vững. Ðể đưa các nền kinh tế thành viên vào quỹ đạo tăng trưởng “Cân bằng”, Thái Lan cũng thúc đẩy mô hình kinh tế Sinh học-Tuần hoàn-Xanh (BCG) trong Năm APEC 2022. Mô hình BCG được Thái Lan áp dụng nhằm tăng tốc phát triển kinh tế-xã hội của nước này; đồng thời làm động lực hiện thực hóa ưu tiên của APEC trong năm 2022.

Thái Lan đặt mục tiêu tổ chức các cuộc họp của APEC theo hình thức trực tiếp, sau thời gian dài phải họp trực tuyến. Hội nghị không chính thức các quan chức cấp cao APEC (ISOM) được tổ chức thành công tại Phuket vào tháng 12 vừa qua đã thể hiện được năng lực tổ chức tốt các sự kiện của Thái Lan trong năm 2022. Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, Thái Lan cam kết bảo đảm an toàn, an ninh tại các cuộc họp, cũng như cho cộng đồng địa phương. Một trong những sự kiện đầu tiên trong năm 2022 là Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cấp cao APEC dự kiến diễn ra tháng 2 tới tại thành phố du lịch nổi tiếng Pattaya. Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 29, sự kiện quan trọng nhất trong năm, dự kiến được tổ chức tại Thái Lan vào tháng 11/2022.

Logo của Năm APEC 2022 được thiết kế dựa trên một chiếc giỏ tre của Thái Lan, với những nan tre đan xen chắc chắn, bền bỉ, tượng trưng sự hợp tác giữa các nền kinh tế thành viên; đồng thời gửi gắm thông điệp của Diễn đàn về mục tiêu phát triển bền vững. Thái Lan cùng các nền kinh tế thành viên tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, nỗ lực củng cố vai trò của APEC là diễn đàn hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực, hướng tới Tầm nhìn APEC đến năm 2040.