Giám đốc NSA “tố” các đồng minh NATO cũng nghe lén

NDO -

NDĐT- Trong phiên điều trần trước Ủy ban Tình báo hạ viện Mỹ hôm 29-10, Giám đốc Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) Keith Alexander đã khẳng định, một số tài liệu bị cựu nhà thầu của NSA Edward Snowden tiết lộ được NSA cùng các đồng minh NATO thu thập.

Giám đốc Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) Keith Alexander tại phiên điều trần trước Ủy ban Tình báo hạ viện Mỹ hôm 29-10-2013. (Ảnh: Dailymail.co.uk)
Giám đốc Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) Keith Alexander tại phiên điều trần trước Ủy ban Tình báo hạ viện Mỹ hôm 29-10-2013. (Ảnh: Dailymail.co.uk)

Tại phiên điều trần, tướng Alexander cho biết, một số dữ liệu liên quan trong các tài liệu bị Edward Snowden tiết lộ được thu thập không chỉ bởi riêng NSA mà còn “được cung cấp tới NSA bởi các đối tác nước ngoài”. “Đây không phải là những thông tin chúng tôi thu thập của các công dân châu Âu. Nó đại diện cho thông tin mà chúng tôi cùng các đồng minh NATO đã thu thập để bảo vệ các quốc gia của chúng ta và hỗ trợ các chiến dịch quân sự”.

Ông Alexander cũng đã lên tiếng bảo vệ NSA, khẳng định cơ quan này hoạt động theo luật pháp để ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố và các bài báo liên quan đến việc do thám của NSA tại châu Âu đã phóng đại quá mức. Ông gọi các thông tin trên truyền thông tại Pháp, Tây Ban Nha, Italy cáo buộc NSA thu thập dữ liệu hàng chục triệu cuộc gọi điện thoại tại các quốc gia này là “hoàn toàn sai”.

Giám đốc NSA cũng khẳng định, Snowden là một người quản trị website không truy cập vào những tài liệu bí mật nhất.

Đề cập đến việc theo dõi các nhà lãnh đạo, Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ James Clapper nói tại phiên điều trần rằng, một trong những sứ mệnh cơ bản nhất của các cơ quan tình báo Mỹ là nắm bắt được những ý định của các nhà lãnh đạo nước ngoài. Ông Clapper nói một cách chung chung và không ám chỉ đến bất cứ nhà lãnh đạo cụ thể nào.

Phiên điều trần diễn ra khi Quốc hội Mỹ đang cân nhắc những kiến nghị lập pháp mới có thể hạn chế phần nào các chương trình thu thập thông tin tình báo điện tử đang ngày càng mở rộng của NSA.

Phát biểu trước các phóng viên, Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner nói, cần phải có một cuộc rà soát lại hoạt động theo dõi của NSA nhắm vào các nhà lãnh đạo đồng minh và Mỹ phải cân bằng giữa những nghĩa vụ của mình với các đồng minh và trách nhiệm giữ an toàn cho người Mỹ.

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Patrick Leahy và Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa James Sensenbrenner, những tác giả ban đầu của Đạo luật Yêu nước (Patriot Act) được thực thi sau cuộc tấn công khủng bố 11-9-2001 tại Mỹ, đã đề xuất một dự luật mới nhằm kết thúc việc “thu thập thông tin quá chi tiết” của chính phủ. Dự luật cũng kêu gọi việc giám sát chặt chẽ hơn, sự minh bạch và trách nhiệm giải trình đối với hoạt động do thám trong nước.

“Không ai đánh giá thấp mối đe dọa mà nước Mỹ tiếp tục phải đối mặt và tất cả chúng ta có thể nhất trí rằng cộng đồng tình báo nên được trang bị những công cụ cần thiết và thích đáng để giúp duy trì sự an toàn cho chúng ta. Nhưng chúng ta cũng nên đồng tình rằng phải có những hạn chế hợp lý đối với các quyền do thám mà chúng ta trao cho chính phủ”, Thượng nghị sĩ Leahy, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp thượng viện Mỹ nói.