Gánh nặng người tị nạn tại EU

Sau thời gian tạm lắng do đại dịch Covid-19, làn sóng người xin tị nạn ở các nước Liên hiệp châu Âu (EU) đã tăng trở lại. Tình trạng này làm gia tăng gánh nặng lên các quốc gia thành viên, đồng thời khiến bài toán phân bổ người tị nạn càng trở nên nan giải.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Hy Lạp giải cứu một trẻ sơ sinh, con của người di cư trái phép. (Ảnh AP)
Lực lượng bảo vệ bờ biển Hy Lạp giải cứu một trẻ sơ sinh, con của người di cư trái phép. (Ảnh AP)

Đại dịch Covid-19 bùng phát kéo theo các biện pháp đóng cửa biên giới đã khiến số đơn xin tị nạn vào các nước EU giảm vào năm 2020. Tuy nhiên, hiện xu hướng này đã bị đảo ngược. Theo báo cáo Cơ quan tị nạn của EU (EUAA) công bố mới đây, EU đã nhận được khoảng 648.000 đơn xin tị nạn vào năm 2021, tăng 33% so năm trước đó. Những quốc gia có số lượng người nộp đơn xin tị nạn cao nhất là Syria, Afghanistan, Iraq, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ và Bangladesh.

Ngoài ra, EU cũng nhận được đơn xin tị nạn của 3,4 triệu người Ukraine. Ðức là điểm đến được yêu thích nhất của dòng người tị nạn tìm đến “miền đất hứa” châu Âu, với 191.000 đơn xin tị nạn, tiếp theo là Pháp và Tây Ban Nha. Giám đốc điều hành EUAA Nina Gregori (N.Grê-gô-ri) nhận định, việc Taliban nắm quyền kiểm soát tại Afghanistan và căng thẳng ở Ukraine là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nêu trên.

Bất chấp các biện pháp ngăn chặn của EU và thực tế đau lòng khi hàng nghìn người thiệt mạng do bị đắm tàu, dòng người di cư vượt biển đến châu Âu tiếp tục tăng sau khi dịch Covid-19 dịu bớt. Với vị trí cửa ngõ, các quốc gia như Italia, Síp, Hy Lạp, Malta và Tây Ban Nha phải “đứng mũi chịu sào” khi dòng người di cư chạy trốn nghèo đói và chiến tranh tràn vào “lục địa già”. Theo Bộ trưởng Nội vụ Síp Nicos Nouris (N.Nu-rít), số lượng người di cư đến EU tăng mạnh trong năm nay.

Dự kiến số người di cư cập bến năm quốc gia cửa ngõ nêu trên có thể lên đến 150.000 người vào cuối năm nay, tăng hơn 100% so năm ngoái. Bộ Nội vụ Síp cho biết, ước tính trong năm tháng đầu năm, tổng cộng có 10.000 người di cư đã đến Síp, tăng 213% so cùng kỳ năm 2021. Nước này có thể sẽ tiếp nhận khoảng 20.000 người di cư trong năm nay.

Trong nhiều năm qua, số lượng đơn xin tị nạn tăng mạnh đã tạo ra gánh nặng không chỉ về kinh tế mà còn an ninh, đồng thời đào sâu thêm những chia rẽ giữa các nước thành viên EU về phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn. Tình trạng mất cân bằng trong chia sẻ trách nhiệm tiếp nhận người tị nạn giữa các quốc gia thành viên EU là nguyên nhân châm ngòi cho những bất đồng nội bộ, đe dọa sự thống nhất của khối.

Mới đây, các nước Baltic đã kêu gọi tăng cường hỗ trợ tài chính từ EU nhằm giải quyết vấn đề người tị nạn từ Ukraine. Tổng thống Litva Gitanas Nauseda (G.Nau-xê-đa) khẳng định, sự đoàn kết trong EU đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm sự hỗ trợ phù hợp cho người tị nạn.

Ðể giải quyết bài toán hóc búa về san sẻ gánh nặng người tị nạn, những năm qua, EU đã nỗ lực xây dựng một hệ thống phân bổ bền vững và hiệu quả hơn. Trong nỗ lực mới nhất, 10 nước EU vừa chấp thuận tham gia kế hoạch tái định cư người xin tị nạn nhằm giảm bớt áp lực lên các quốc gia ven Ðịa Trung Hải, nơi thường phải chịu gánh nặng của dòng người di cư từ Bắc Phi. Kế hoạch áp dụng các cơ chế tái định cư mới này được Bộ trưởng Nội vụ Pháp trình bày với những người đồng cấp EU tại một cuộc họp ở Luxembourg vừa qua. Nhiều nhà phân tích nhận định, nếu có thêm nhiều nước thành viên EU tham gia kế hoạch, cánh cửa hy vọng giải quyết bài toán phân bổ người tị nạn tại EU sẽ rộng mở hơn.

Yêu cầu cải cách để hoàn thiện hệ thống tị nạn châu Âu được cho là chìa khóa quan trọng nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng di cư hiện nay và gìn giữ sự đoàn kết của EU. Tuy nhiên, giải pháp này không thể được thực hiện trong “một sớm, một chiều” và chỉ trở nên khả thi khi EU củng cố tinh thần đoàn kết và nhất trí phối hợp hành động có trách nhiệm.