FAO tổ chức Hội nghị châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 33

NDO -

NDĐT - Trước những vấn đề về an ninh lương thực và thiếu dinh dưỡng tại khu vực đông dân nhất trên thế giới, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) đã tổ chức Hội nghị châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 33 tại Putrajaya, Malaysia với sự tham gia của chính phủ 46 nước châu Á - Thái Bình Dương.

Tổng Giám đốc FAO José Graziano Da Silva. (Ảnh: Internet)
Tổng Giám đốc FAO José Graziano Da Silva. (Ảnh: Internet)

Đại biểu tham dự Hội nghị châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 33 của FAO gồm các Bộ trưởng và quan chức cao cấp của chính phủ các nước, cùng thảo luận một loạt vấn đề liên quan lương thực và nông nghiệp, trong đó có hiện trạng sản xuất lương thực thực phẩm trong toàn bộ khu vực và định hướng tăng cường dinh dưỡng cũng như chấm dứt nạn thấp còi ở trẻ em, đồng thời kiềm chế tỷ lệ trẻ béo phì đang ngày càng gia tăng.

Các đại biểu cũng bàn về những thách thức đặt ra cho việc thâm canh nghề cá, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, sự cần thiết phải kết nối tiểu nông với các chuỗi giá trị nhằm cải thiện tình hình an ninh lương thực và nâng cao sinh kế cho họ, vì họ chính là những người sản xuất ra phần lớn lương thực thực phẩm mà chúng ta tiêu thụ.

Ông José Graziano da Silva, Tổng Giám đốc FAO phát biểu: “Hội nghị Putrajaya có tầm quan trọng đặc biệt, vì đây là hội nghị đầu tiên được tổ chức tại khu vực sau khi các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) được Liên hợp quốc phê chuẩn tháng 9 vừa qua”... “An ninh lương thực, dinh dưỡng và nông nghiệp bền vững có ý nghĩa sống còn đối với việc hiện thực hóa toàn bộ các Mục tiêu Phát triển bền vững vào năm 2030. Chúng tôi hy vọng các nước châu Á - Thái Bình Dương sau Hội nghị này sẽ tập trung cao độ hơn, ý thức rõ ràng hơn về mục đích và cơ hội hợp tác để cùng đẩy mạnh nỗ lực biến những khát vọng đó thành hiện thực”.

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương được đánh giá là đạt mục tiêu xóa đói, nhưng nhiều thách thức vẫn còn và cần được giải quyết. Về tổng thể, với sản lượng lương thực cao và giá lương thực nhìn chung thấp, tình hình lương thực ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong những thập kỷ gần đây được đánh giá là ổn định. Đặc biệt là từ năm 1990, khu vực đã giảm được tỷ lệ người bị đói xuống còn một nửa và đạt được Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về xóa đói. Nhưng trong khu vực vẫn còn 490 triệu người dân bị suy dinh dưỡng - chiếm khoảng 62% tổng số người suy dinh dưỡng của cả thế giới.

Dân số tiếp tục tăng trưởng và thu nhập cũng tăng (khiến nhu cầu tiêu thụ thịt gia tăng) có nghĩa là thế giới sẽ cần phải sản xuất thêm 60% lượng lương thực hiện nay để cung cấp cho toàn bộ dân số vượt hơn chín tỷ người vào năm 2050 – trong đó đến 80% lượng lương thực gia tăng là dành cho các nước đang phát triển. Phần lớn nhu cầu này xuất phát từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương, và để sản xuất ra được toàn bộ lượng lương thực gia tăng cần thiết đó phải vượt qua những trở ngại như thay đổi về nhiệt độ và lượng mưa do tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai.

FAO tổ chức Hội nghị châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 33 ảnh 1

Kundhavi Kadiresan, Trưởng đại diện FAO tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. (Ảnh: Internet).

Bà Kundhavi Kadiresan, Trợ lý Tổng Giám đốc FAO kiêm Trưởng đại diện FAO tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhận định: “Khu vực này đã đạt được những thành tựu rất to lớn trong xóa đói giảm nghèo nhưng giờ đây chúng ta đều nhận thấy chúng ta đang đứng trước bước ngoặt lớn. Chúng ta phải tìm ra được cách thức chấm dứt nạn đói ở hàng trăm triệu người dân châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời phải tăng được sản lượng lương thực thực phẩm bổ dưỡng cho thế hệ tương lai một cách bền vững, phù hợp với môi trường sinh thái. Chúng ta phải cùng hiểu rõ rằng đó là nhiệm vụ của chúng ta. Chúng ta nợ con em chúng ta điều đó - và chúng ta cũng nợ con em của chúng điều đó”.

Hội nghị khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APRC) lần thứ 33 cũng bàn thảo kỹ lưỡng về những thách thức về mặt nhân khẩu học đặt ra cho ngành nông nghiệp. Độ tuổi trung bình của nông dân đang tăng trong nhiều năm qua. Hai trong số những nguyên nhân chính là do xu hướng di dân từ nông thôn ra thành thị và sự sụt giảm số lượng người trẻ tuổi tham gia làm nông nghiệp. Hội nghị cũng tổ chức thảo luận bàn tròn về lý do tại sao người trẻ không xem nông nghiệp là nghề nghiệp, dù là làm nông, làm thủy sản, hay theo đuổi nghiên cứu nông nghiệp.

Bà Kadiresan cho rằng: “Thế hệ thanh niên của chúng ta là hy vọng lớn nhất của chúng ta trong việc tìm ra giải pháp cho vấn đề thiếu hụt lương thực trong tương lai. Ngày nay trong số chúng ta có những người trẻ rất sáng suốt, những người có thể sẽ tạo ra những phát kiến mới trong lĩnh vực lương thực và nông nghiệp cho ngày mai. Chúng ta phải cho họ động cơ tham gia cùng với chúng ta, và chúng ta phải đầu tư vào khoa học nông nghiệp ngay từ bây giờ, tất cả chúng ta và gia đình của chúng ta sẽ được hưởng tất cả những thành quả của việc này trong tương lai không xa”.

Hội nghị khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 33 của FAO diễn ra tại Putrajaya, Malaysia, do Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp của Chính phủ Malaysia đăng cai tổ chức. Ba ngày đầu tiên của Hội nghị dành cho bàn thảo và tư vấn kỹ thuật với các quan chức cao cấp của chính phủ các nước. Ngày thứ tư, Tổng Giám đốc FAO, José Graziano da Silva, sẽ chủ trì Phiên họp cấp Bộ trưởng. Hội nghị bàn tròn về tương lai thanh niên tham gia làm nông nghiệp sẽ được tiến hành vào ngày cuối cùng. Các tổ chức xã hội dân sự cũng sẽ tham dự Hội nghị.