Dòng phụ BA.2 chiếm hơn 90% các biến thể virus SARS-CoV-2 lưu hành ở Mỹ

NDO -

Dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron và biến thể phụ BA.2.12.1 của dòng này đang chiếm phần lớn các ca nhiễm mới Covid-19 ở Mỹ, với tỷ lệ ước tính chiếm hơn 90% các biến thể virus SARS-CoV-2 lưu hành ở nước này tính đến ngày 16/4.

Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại thành phố New York, Mỹ, ngày 11/4/2022. (Ảnh: Reuters)
Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại thành phố New York, Mỹ, ngày 11/4/2022. (Ảnh: Reuters)

Số liệu công bố bởi Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) ngày 19/4 cho thấy, BA.2 - hay còn được gọi là “Omicron tàng hình” chiếm 74,4% các biến thể lưu hành trong nước trong tuần kết thúc vào ngày 16/4, trong khi dòng phụ BA.2.12.1 của chủng này chiếm 19%.

Nhìn chung, số ca bệnh đã giảm mạnh trên toàn quốc kể từ khi đạt mức kỷ lục vào tháng 1 vừa qua, nhưng tình hình lây nhiễm Covid-19 có chiều hướng gia tăng trong vài tuần qua, đặc biệt là ở các bang vùng đông bắc như New York và Connecticut.

Sự bùng phát trở lại các ca mắc Covid-19 ở nhiều khu vực tại châu Á và châu Âu đã làm dấy lên lo ngại rằng 1 làn sóng lây nhiễm khác có thể xảy ra ở Mỹ, giống như các đợt bùng phát trước đây trong đại dịch.

Tính trung bình trong 7 ngày qua (tuần kết thúc vào ngày 16/4), số ca mắc mới Covid-19 ở Mỹ vào khoảng 34.972 ca/ngày, tăng 23,4% so với 1 tuần trước đó.

Dòng phụ BA.2 chiếm hơn 90% các biến thể virus SARS-CoV-2 lưu hành ở Mỹ -0
Đồ họa: TRUNG HƯNG

Mỹ hiện vẫn là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất trong đại dịch, đến nay ghi nhận hơn 82,4 triệu ca mắc, trong đó trên 1 triệu ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai về số ca mắc (hơn 43 triệu ca) trong khi Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong (hơn 662 nghìn ca).

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 9 giờ sáng 20/4 (giờ Việt Nam), thế giới đã vượt mốc 506 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có 6.228.132 ca tử vong. Số bệnh nhân đã bình phục là hơn 457,8 triệu người, trong khi vẫn còn gần 42 triệu bệnh nhân đang phải điều trị.

Xét về khu vực, châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất với hơn 187,3 triệu ca mắc, trong đó có hơn 1,8 triệu ca tử vong. Châu Á đứng thứ hai với hơn 146 triệu ca mắc và hơn 1,4 triệu ca tử vong. Khu vực Bắc Mỹ đã ghi nhận hơn 97,5 triệu ca mắc và hơn 1,45 triệu ca tử vong; khu vực Nam Mỹ ghi nhận hơn 56,5 triệu ca mắc và hơn 1,29 triệu ca tử vong.

Dòng phụ BA.2 chiếm hơn 90% các biến thể virus SARS-CoV-2 lưu hành ở Mỹ -0
Đồ họa: TRUNG HƯNG

Cũng trong ngày hôm qua, CDC công bố kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ nhập viện của trẻ em từ 5 đến 11 tuổi chưa được tiêm ngừa Covid-19 tại Mỹ cao gấp đôi so với những trẻ đã được tiêm trong làn sóng lây nhiễm kỷ lục do biến thể Omicron gây ra vừa qua.

Theo đó, cứ 100 nghìn trẻ em chưa được tiêm chủng trong độ tuổi nêu trên, có 19,1 trẻ nhiễm Covid-19 phải nhập viện trong khoảng thời gian từ giữa tháng 12 năm ngoái đến cuối tháng 2 vừa qua. Trong khi tỷ lệ này ở trẻ được tiêm chủng chỉ vào khoảng 9,2 ca nhập viện trên 100 nghìn trẻ.

Các nhà nghiên cứu cũng đã xem xét kỹ gần 400 trường hợp nhập viện ở 14 tiểu bang trong thời gian này.

Kết quả cho thấy trong số 397 trẻ nhập viện vì Covid-19 trong làn sóng Omicron chiếm ưu thế, 87% chưa được tiêm chủng, 1/3 không có bệnh lý nền và 19% phải cần chăm sóc đặc biệt.

Biến thể Omicron dễ lây lan đã khiến ca nhiễm Covid-19 tăng cao kỷ lục ở Mỹ vào tháng 1 vừa qua, cùng sự gia tăng số ca Covid-19 nhập viện ở những người dưới 18 tuổi, dẫn đến lo ngại về tác động đối với trẻ em chưa được tiêm chủng.

Các cơ quan quản lý y tế và dược phẩm Mỹ đã cấp phép vaccine Pfizer/BioNTech để tiêm cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi vào tháng 10 năm ngoái, ngay trước cả khi Omicron xuất hiện.

Dòng phụ BA.2 chiếm hơn 90% các biến thể virus SARS-CoV-2 lưu hành ở Mỹ -0
Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em ở Washington, Mỹ, ngày 3/11/2021. (Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, theo số liệu của CDC, chỉ mới 28% trẻ em trong độ tuổi này - tức khoảng 8 triệu trẻ được tiêm chủng đầy đủ.

Nghiên cứu cũng cho thấy, tỷ lệ ca Covid-19 nhập viện ở trẻ em từ 5 đến 11 tuổi cao hơn trong làn sóng Omicron so với khi biến thể Delta chiếm ưu thế trước đây.

Trong khi đó, hãng dược Moderna ngày 19/4 cho biết, liều vaccine Covid-19 tăng cường được hãng bào chế nhằm phòng ngừa cả biến thể Beta lẫn chủng gốc của virus SARS-CoV-2 tạo ra phản ứng miễn dịch tốt hơn đối với một số biến thể khác, trong đó có cả Omicron.

Moderna đã tiến hành thử nghiệm loại vaccine mRNA số hiệu 1273.211 với liều lượng 50 microgram trên 300 người.

Kết quả cho thấy, từ 1 đến 6 tháng sau khi tiêm, vaccine đã tạo ra mức độ trung hòa kháng thể chống lại biến thể Omicron cao hơn so với liều tăng cường vaccine gốc của hãng hiện đang được sử dụng rộng rãi.

Moderna cho biết, kết quả này là dấu hiệu tốt để hãng thực hiện kế hoạch bào chế các loại vaccine đặc hiệu nhắm vào 2 biến thể kể trên của virus SARS-CoV-2.

Ngoài ra, Moderna cũng đã bắt đầu thử nghiệm 1 loại vaccine khác, kết hợp giữa vaccine đặc hiệu phòng Omicron với vaccine ngừa chủng gốc của virus SARS-CoV-2. Các dữ liệu ban đầu về loại vaccine này dự kiến sẽ được công bố vào cuối quý II năm nay.

Bên cạnh đó, hãng cũng đang thử nghiệm 1 vaccine tăng cường nhắm riêng vào biến thể Omicron.

Tại Trung Quốc, chính quyền thành phố Thượng Hải sáng nay công bố thêm 7 ca tử vong vì Covid-19 trong 24 giờ qua. Trước đó 1 ngày, trung tâm tài chính này cũng ghi nhận 7 ca tử vong khác trong đợt bùng phát hiện tại.

Dòng phụ BA.2 chiếm hơn 90% các biến thể virus SARS-CoV-2 lưu hành ở Mỹ -0
Người dân được xét nghiệm Covid-19 tại 1 điểm xét nghiệm axit nucleic tạm thời ở 1 khu dân cư bị phong tỏa tại Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 18/4/2022. (Ảnh: Reuters)

Trong 24 giờ qua, tâm dịch Thượng Hải đã báo cáo 16.407 trường hợp nhiễm Covid-19 không triệu chứng mới, giảm so với 17.332 ca 1 ngày trước đó. Các ca bệnh có triệu chứng là 2.494 ca, giảm so với 3.084 ca hôm thứ hai.

Nhằm khống chế đợt bùng phát nghiêm trọng đang diễn ra, chính quyền thành phố Thượng Hải ngày 19/3 đã kêu gọi người dân hợp tác trong công tác triển khai xét nghiệm Covid-19 trên diện rộng, trong bối cảnh thành phố đang áp dụng triệt để chiến lược “Zero Covid” trong gần 3 tuần phong tỏa nghiêm ngặt.

Giới chức y tế thành phố cho biết, việc tiến hành nhiều vòng xét nghiệm PCR liên tiếp sẽ giúp phát hiện các trường hợp dương tính sớm nhất có thể, qua đó giúp Thượng Hải đạt được mục tiêu không lây nhiễm cộng đồng nhanh hơn.

Thành phố đã nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại đối với một số khu vực có nguy cơ thấp, nhưng phần lớn dân cư của đô thị 25 triệu dân này vẫn trong tình trạng phong tỏa nghiêm ngặt.

Để giảm tải cho hệ thống y tế, Thượng Hải đang đẩy nhanh việc chuyển bệnh nhân Covid-19 đến các trung tâm cách ly được chuyển đổi từ các cơ sở khác như trường học và khu chung cư.

Thế giới bước vào làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới