Đại hội đồng Liên hợp quốc ra nghị quyết đầu tiên về đại dịch Covid-19

NDO -

NDĐT - Ngày 3-4 (theo giờ Việt Nam), Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) đã thông qua nghị quyết kêu gọi hợp tác quốc tế và đa phương giữa các quốc gia trong cuộc chiến phòng, chống Covid-19.

Buổi họp của các thành viên Đại hội đồng LHQ. (Ảnh: UN)
Buổi họp của các thành viên Đại hội đồng LHQ. (Ảnh: UN)

Thụy Sĩ, Indonesia, Singapore, Na Uy, Liechtenstein và Ghana đã đệ trình dự thảo nghị quyết này. Dự thảo nghị quyết đã nhận được sự ủng hộ của 188/193 quốc gia thành viên.

Theo đó, nghị quyết nhấn mạnh "sự cần thiết phải hoàn toàn tôn trọng quyền con người" và "không có chỗ cho bất kỳ hình thức phân biệt đối xử, phân biệt chủng tộc và bài ngoại” trong công tác ứng phó với đại dịch.

Khác với các nghị quyết do Hội đồng Bảo an LHQ thông qua, nghị quyết được Đại hội đồng LHQ mới thông qua không mang tính ràng buộc. Tuy nhiên, văn kiện này có giá trị chính trị mạnh mẽ.

Theo Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, đại dịch Covid-19 là cuộc khủng hoảng toàn cầu tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Ông cũng bày tỏ lo ngại trước nguy cơ đại dịch kích ngòi xung đột trên thế giới.

Trong bối cảnh virus SARS-CoV-2 lây lan khắp thế giới, giết chết hàng trăm nghìn người và lây nhiễm không ngừng từng ngày, ông Guterres hối thúc, thế giới cần cùng nhau chống lại chủng virus nguy hiểm này, nếu không hàng triệu người có thể sẽ thiệt mạng.

Trước đó, ngày 23-3, Tổng Thư ký LHQ đã kêu gọi một lệnh ngừng bắn toàn cầu có hiệu lực ngay lập tức, nhằm bảo vệ dân thường khỏi sự tàn phá của đại dịch, đặc biệt tại các khu vực xung đột.
Sau khi xuất hiện lần đầu tiên ở Vũ Hán, Trung Quốc hồi tháng 12-2019, đại dịch Covid-19 đã lan rộng đến 204 quốc gia và lãnh thổ.

Tính đến sáng 3-4, số ca dương tính trên toàn thế giới đã vượt mức một triệu người, trong đó hơn 53 nghìn người tử vong và hơn 213 nghìn người đã may mắn bình phục.

* Đại dịch Covid-19 có thể kích ngòi xung đột trên thế giới