Đại dịch Covid -19 diễn biến theo hai chiều trái ngược

NDO -

Thế giới tiếp tục ghi nhận tín hiệu khả quan trong diễn biến của đại dịch Covid-19, song WHO cho rằng bao trùm thế giới vẫn là một bức tranh hỗn tạp.

Tây Ban Nha đón chào du khách đã tiêm ngừa Covid-19 đến từ đa số quốc gia trên thế giới. (Ảnh: AP)
Tây Ban Nha đón chào du khách đã tiêm ngừa Covid-19 đến từ đa số quốc gia trên thế giới. (Ảnh: AP)

Đại dịch diễn biến theo hai hướng

Những ngày gần đây, thế giới tiếp tục ghi nhận tín hiệu tích cực trong diễn biến của đại dịch Covid-19. Số ca mắc mới được thông báo cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO) giảm trong sáu tuần liên tiếp, số ca tử vong cũng giảm trong năm tuần liên tiếp.

Tuy nhiên, WHO đánh giá bao trùm thế giới vẫn là một bức tranh hỗn tạp. Tuần qua, số ca tử vong tăng tại ba trong sáu khu vực do WHO phân bổ, gồm: châu Phi, châu Mỹ và Tây Thái Bình Dương. 

WHO cho rằng, thế giới ngày càng chứng kiến rõ hơn một đại dịch diễn biến theo hai hướng: nhiều quốc gia vẫn đang đối mặt với tình trạng rất nguy hiểm; trong khi với tỷ lệ tiêm chủng cao nhất, một số nước khác đã bắt đầu nói về chấm dứt các biện pháp hạn chế. 

Tại các quốc gia có khả năng tiếp cận vaccine ngừa Covid-19 nhiều nhất, tỷ lệ tử vong trong các nhóm người cao tuổi đang giảm. Giới chức tại các nước này đang nới lỏng các biện pháp xã hội và y tế cộng đồng vốn được triển khai để giúp bảo vệ người dân.

WHO khuyến cáo các quốc gia nên thận trọng nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch cũng như điều chỉnh phù hợp với sự lây lan của Covid-19 và khả năng ứng phó dịch bệnh. 

Trong bối cảnh các biến thể đáng quan ngại, trong đó có biến thể Delta, lan mạnh trên phạm vi toàn cầu, việc dỡ bỏ quá nhanh các biện pháp hạn chế có thể gây ảnh hưởng đến những người chưa tiêm vaccine ngừa Covid-19.

Phân phối vaccine không công bằng là mối đe dọa

Trong 18 tháng kể từ khi ca mắc Covid-19 đầu tiên được phát hiện, thế giới đã sử dụng nhiều công cụ hữu hiệu để ngăn chặn, phát hiện và điều trị căn bệnh nguy hiểm này. WHO nhận định, rào cản lớn nhất trong quá trình chấm dứt đại dịch vẫn là vấn đề chia sẻ vaccine ngừa Covid-19, các nguồn lực và công nghệ. 

Đại dịch diễn biến theo hai hướng, WHO kêu gọi G7 chia sẻ vaccine -0

Mỹ tuyên bố sẽ sớm ủng hộ 25 triệu liều vaccine đã cam kết chia sẻ thông qua cơ chế COVAX. (Ảnh: AP)

Sau sáu tháng kể từ khi những liều vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên được sử dụng, các quốc gia có thu nhập cao đã sử dụng gần 44% số vaccine ngừa Covid-19 của thế giới, trong khi con số này của các nước có thu nhập thấp là 0,4%. 

WHO cho rằng, trong tình huống khẩn cấp, các nước có thu nhập thấp không thể chỉ phụ thuộc vào nguồn vaccine nhập khẩu từ các quốc gia giàu có hơn, do đó, đầu tư sản xuất trong nước là việc cần thiết.

Phân phối vaccine không công bằng không chỉ là mối đe dọa đối với những quốc gia có ít vaccine nhất mà còn với mọi quốc gia trên thế giới. Nó sẽ tạo cơ hội cho virus tiếp tục lây lan, làm tăng nguy cơ xuất hiện biến thể mới khiến vaccine kém hiệu quả hơn. 

Tại Đại hội đồng Y tế thế giới (WHA), Tổng Giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus đã kêu gọi nỗ lực toàn cầu để đạt mục tiêu đến tháng 9 tới tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho ít nhất 10% dân số của tất cả các nước và hướng tới ít nhất 30% dân số vào cuối năm 2021. 

Để đạt được mục tiêu này, thế giới cần thêm 250 triệu liều vaccine vào tháng 9; và riêng tháng 6 và 7-2021, cần 100 triệu liều. 

Người đứng đầu WHO cho biết, cuối tuần này, các nhà lãnh đạo Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) sẽ tham dự hội nghị cấp cao thường niên. Ông kêu gọi G7 không chỉ cam kết chia sẻ vaccine mà còn chia sẻ vaccine ngay trong tháng 6 và 7-2021.

WHO khẳng định, COVAX là phương pháp tốt nhất để phân phối vaccine ngừa Covid-19 nhanh chóng và công bằng. Chia sẻ vaccine ngay lúc này là việc làm thiết yếu để chấm dứt giai đoạn tồi tệ trong đại dịch Covid-19. 

Cuộc đua vaccine Covid-19