Cuộc khủng hoảng nước nghiêm trọng tại Syria và Iraq

Các tổ chức cứu trợ nhân đạo cảnh báo, hơn 12 triệu người ở Syria và Iraq đang đối mặt cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng khi họ mất khả năng tiếp cận với nước, thực phẩm và điện. Biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ tăng, lượng mưa thấp kỷ lục và hạn hán đang tước đi nguồn nước của người dân trong khu vực.

Người tị nạn Syria chuẩn bị vượt biên giới vào khu tự trị của người Kurd tại miền bắc Iraq, tháng 8/2013. (Ảnh: Reuters)
Người tị nạn Syria chuẩn bị vượt biên giới vào khu tự trị của người Kurd tại miền bắc Iraq, tháng 8/2013. (Ảnh: Reuters)

Syria hiện đang đối mặt đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 70 năm qua. Kể từ mùa thu năm 2020, lượng mưa thấp bất hợp lý trên lưu vực phía đông Địa Trung Hải đã gây ra tình trạng hạn hán ở Syria và Iraq. Khoảng 5 triệu người Syria vốn sống phụ thuộc nguồn nước sông Euphrates đang đối mặt “thảm họa” khi nước sông ngày càng cạn kiệt. Con sông này dài khoảng 2.800 km, bắt nguồn từ Thổ Nhĩ Kỳ, chảy qua Syria và Iraq.

Là con sông dài nhất ở Syria, Euphrates từng cung cấp nước phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp, cung cấp nước cho ba đập thủy điện và cấp nước uống cho hàng triệu người.

Dòng chảy sông Euphrates bị thu hẹp khiến mực nước tại các đập thủy điện giảm mạnh kể từ tháng 1 vừa qua, đe dọa cuộc sống của người dân Syria. Trong nhiều tháng qua, mực nước tại các hồ chứa khiến các nhà máy thủy điện có nguy cơ phải ngừng hoạt động. Tại đập Tishrin, nơi đầu tiên con sông Euphrates đổ vào bên trong lãnh thổ Syria, mực nước giảm đáng báo động, xuống mức chưa từng thấy kể từ khi con đập được hoàn thành năm 1999.

Mực nước ở đập Tishrin đã giảm 5 m và hiện chỉ cách “mực nước chết” vài chục cm. Nếu mực nước tiếp tục giảm, các tua-bin sản xuất điện sẽ ngừng hoạt động và gây ra thảm họa nhân đạo cho khu vực. Kể từ năm ngoái đến nay, sản lượng điện ở khu vực đông bắc Syria đã giảm 70%.

Trong khi đó, hai trong số ba trạm xử lý nước sạch dọc sông Euphrates đang hoạt động dưới công suất hoặc đã ngừng hoạt động. Tình trạng khan hiếm nước khiến ngày càng nhiều hộ gia đình không có nước sạch.

Trong khi đó, hạn hán đã tàn phá những khu vực cây trồng rộng lớn dựa vào nguồn nước mưa ở Syria, nơi mà 60% số người dân phải chật vật để có được lương thực, thực phẩm. Liên hợp quốc cho biết, sản lượng lúa mạch có thể giảm 1,2 triệu tấn trong năm nay, khiến thức ăn chăn nuôi khan hiếm hơn. Tại một số nơi, động vật đã bắt đầu chết. Không chỉ ở Syria, tại vùng hạ lưu sông Euphrates ở Iraq,

7 triệu người cũng thiếu nước ngọt. Các nhà hoạt động cảnh báo, sự sụp đổ hoàn toàn về nước và sản xuất lương thực cho hàng triệu người Syria và Iraq sắp xảy ra. Cuộc khủng hoảng nguồn nước khiến ngày càng nhiều người Iraq phải rời bỏ nhà cửa.

Báo cáo về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc công bố mới đây cho thấy, hành động của con người đã làm gia tăng tần suất các đợt nắng nóng và hạn hán trên thế giới. Những đợt khô hạn kéo dài hơn gây hậu quả nặng nề ở khu vực Địa Trung Hải.

Các tổ chức nhân đạo hối thúc các nhà chức trách trong khu vực phải nhanh chóng hành động để cứu sống người dân trong cuộc khủng hoảng mới nhất này, bao gồm cả xung đột, đại dịch Covid-19 và sự suy giảm kinh tế nghiêm trọng. Ngoài việc cứu trợ thực phẩm và nước khẩn cấp, các nước cần đầu tư vào các giải pháp bền vững nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng nước ngày càng nghiêm trọng.