Cuộc khủng hoảng bị lãng quên?

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) bày tỏ quan ngại trước tình trạng tiếp diễn xung đột giữa các tổ chức vũ trang ở CH Trung Phi và các cuộc tiến công nhằm vào dân thường tại quốc gia châu Phi này. Bạo lực gia tăng gần đây khiến số người mất nhà ở tại CH Trung Phi tăng lên mức cao chưa từng thấy.

Người dân Cộng hòa Trung Phi tại trại tị nạn. (Ảnh: AP)
Người dân Cộng hòa Trung Phi tại trại tị nạn. (Ảnh: AP)

Xung đột dữ dội giữa các nhóm vũ trang đối địch Phong trào Giải phóng cộng đồng Trung Phi (MNLC) và Cách mạng - Công lý (RJ) nổ ra ở ngoại ô Pao-ua, vùng tây-bắc của CH Trung Phi cuối năm 2017, sau khi tình trạng bạo lực bùng phát trong khu vực một tháng trước đó. Tình hình an ninh ở CH Trung Phi càng trở nên báo động sau khi sáu nhân viên cứu trợ nhân đạo, trong đó có một người thuộc Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) tại khu vực tây-bắc của nước này, bị giết hại hôm 28-2 vừa qua. Vụ tiến công xảy ra khi nhóm nhân viên cứu trợ đang trên đường đến thị trấn Ma-cun-đa, khu vực hẻo lánh gần biên giới CH Sát, nơi họ đào tạo các giáo viên địa phương. Theo thống kê, năm 2017 cũng có ít nhất 13 nhân viên cứu trợ thiệt mạng trong các vụ tiến công tại CH Trung Phi.

Hội đồng Bảo an LHQ bày tỏ quan ngại trước các vụ tiến công nhằm vào binh sĩ gìn giữ hòa bình và các nhân viên nhân đạo của LHQ, cũng như các hành vi kích động thù hận và bạo lực tôn giáo, sắc tộc đang gây bất ổn CH Trung Phi. Hội đồng Bảo an ra tuyên bố kêu gọi giới chức CH Trung Phi tiếp tục những nỗ lực thực thi các biện pháp minh bạch và toàn diện để giải quyết gốc rễ nguyên nhân gây mất ổn định, thiết lập một cơ chế quản lý tài chính hiệu quả để đáp ứng những chi phí liên quan hoạt động của nhà nước, thực thi kế hoạch khôi phục nền kinh tế. Là một trong những nước nghèo nhất thế giới, CH Trung Phi đang nỗ lực khôi phục lại đất nước sau cuộc nội chiến xảy ra năm 2013, khi các lực lượng phiến quân lật đổ Tổng thống Ph.Bô-di-dê. Hiện chính phủ chỉ kiểm soát một khu vực nhỏ của đất nước trong khi các tay súng vũ trang giao tranh nhằm chiếm giữ các khu vực giàu tài nguyên khoáng sản.

Theo thống kê của LHQ, kể từ khi làn sóng bạo lực bắt đầu nổ ra vào năm 2013, các cuộc xung đột tại CH Trung Phi đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng, hơn một triệu người buộc phải di tản và 2,4 triệu người (tương đương hơn một nửa dân số nước này), phải sống nhờ viện trợ lương thực khẩn cấp. Văn phòng Cao ủy LHQ về Người tị nạn (UNHCR) cho biết, nhiều người dân ở CH Trung Phi xin tị nạn tại nước láng giềng CH Sát. Năm 2017, khoảng 688.700 người bị mất nhà cửa tại CH Trung Phi, tăng hơn 60% so với năm 2016. Trong khi đó, khoảng 542.380 người dân ở nước này phải sống tại các nước láng giềng. UNHCR cho rằng, tình hình tại CH Trung Phi là "một trong những cuộc khủng hoảng vô gia cư bị lãng quên nhất thế giới". Năm 2017, UNHCR cần khoảng 209,2 triệu USD để viện trợ cho CH Trung Phi, song tổ chức này chỉ nhận được 12% số kinh phí cần thiết. Năm 2018, UNHCR cần nguồn kinh phí 176,1 triệu USD để trang trải cho các hoạt động tại đây.

Xung đột tiếp diễn gần đây ở Pao-ua giữa các nhóm vũ trang gây lo ngại về một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ hơn ở CH Trung Phi. LHQ cảnh báo, khoảng 100 nghìn người tại thành phố Pao-ua cần cứu trợ khẩn cấp. Trong số đó, khoảng 60 nghìn người phải lánh nạn đến thành phố giáp biên với CH Sát, trong khi 40 nghìn người tiếp tục trụ lại ở Pao-ua. Nếu các cuộc giao tranh giữa các nhóm phiến quân tiếp diễn, số người tị nạn cần trợ giúp nhân đạo có thể tăng gấp đôi hoặc thậm chí gấp ba. Phần lớn những người phải rời bỏ nhà cửa do chiến sự là phụ nữ và trẻ em. Các nhân viên của LHQ cho rằng, sức khỏe của nhóm người này đang là vấn đề nan giải nhất bởi số người chết do bệnh tật và kiệt sức ngày càng gia tăng.