Ngày thế giới phòng, chống AIDS

Covid-19 gây cản trở nỗ lực chống đại dịch AIDS

NDO -

Các ca nhiễm mới và tử vong do HIV/AIDS có thể gia tăng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 làm gián đoạn việc cung cấp cũng như tiếp cận các biện pháp phòng ngừa HIV/AIDS.

Lấy mẫu máu xét nghiệm HIV/AIDS tại 1 điểm xét nghiệm lưu động ở Ndeeba, ngoại ô thủ đô Kampala, Uganda. (Ảnh: Reuters)
Lấy mẫu máu xét nghiệm HIV/AIDS tại 1 điểm xét nghiệm lưu động ở Ndeeba, ngoại ô thủ đô Kampala, Uganda. (Ảnh: Reuters)

Đây là nhận định của bà Winnie Byanyima, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Giám đốc điều hành Chương trình Phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) trong bài phát biểu nhân Ngày thế giới phòng, chống AIDS (1/12).

Theo bà Byanyima, riêng trong giai đoạn đầu đại dịch Covid-19 mới bùng phát, có rất ít người được xét nghiệm cũng như phải từ bỏ điều trị HIV/AIDS vì phải xếp hàng dài chờ đợi tại các phòng khám, hoặc các biện pháp phòng dịch khác đã cản trở họ tiếp cận các biện pháp phòng ngừa HIV/AIDS.

“Vì lý do đó, chúng tôi cho rằng trong những năm tới, rất có thể chúng ta sẽ phải chứng kiến thêm nhiều ca nhiễm và tử vong do những gián đoạn này gây ra”, bà Byanyima nhận định.

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng cho biết thêm, “chủ nghĩa dân tộc vaccine” trong phòng, chống dịch Covid-19, trong đó các nước giàu mua hầu hết nguồn cung cấp vaccine toàn cầu, trong khi các quốc gia nghèo bị bỏ lại phía sau và phải chờ đợi được phân phối là tình trạng đáng buồn đang diễn ra trên thế giới.

Theo thống kê từ dự án Our World in Data của Đại học Oxford, trong khi các nước giàu tích trữ vaccine, mới chỉ hơn 7% dân số châu Phi được tiêm ngừa Covid-19 đầy đủ.

Một số nhà khoa học cho rằng đó có thể là 1 yếu tố dẫn đến sự xuất hiện của biến thể mới Omicron, được phát hiện đầu tiên ở miền nam châu Phi

Ông John Moore, Giáo sư vi sinh và miễn dịch học thuộc Đại học Y tế Weill Cornell ở New York (Mỹ) cho biết: “Không phải ngẫu nhiên mà biến thể này được phát hiện ở vùng châu Phi cận Sahara, nơi có rất nhiều ca nhiễm HIV chưa được chẩn đoán hoặc những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch”.

Giáo sư Moore cho rằng những người bị suy giảm miễn dịch không thể tiêu diệt virus nhanh chóng như những người có hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, và phản ứng miễn dịch dưới mức tối ưu có thể đã tạo điều kiện cho virus SARS-CoV-2 tiếp tục đột biến.

Ông nói đó là cách mà các biến thể khác của virus SARS-CoV-2 được cho là đã phát sinh, xuất phát từ những người bị suy giảm miễn dịch.

Bà Byanyima thông tin, các kết quả nghiên cứu cho thấy những người nhiễm HIV không có nhiều khả năng dễ nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 hơn những người khác, nhưng một khi đã nhiễm, họ có nguy cơ bị bệnh nặng cao hơn nhiều.

Bà cho rằng đó là lý do tại sao vấn đề này trở nên rất quan trọng đối với các nước đang phát triển đang phải chịu gánh nặng bệnh tật lớn liên quan HIV/AIDS.