Chiến lược Bắc Cực mới của EU

Liên minh châu Âu (EU) vừa công bố Chiến lược Bắc Cực mới, theo đó cam kết thúc đẩy phát triển bền vững và bảo vệ môi trường ở Bắc Cực, khu vực mà Brussels cho là có tầm quan trọng chiến lược chủ chốt. Ðộng thái này của EU được đưa ra trong bối cảnh Bắc Cực đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu.

EU cam kết thúc đẩy phát triển bền vững tại Bắc Cực. Ảnh REUTERS
EU cam kết thúc đẩy phát triển bền vững tại Bắc Cực. Ảnh REUTERS

Trong thông cáo ra mới đây, Ủy ban châu Âu (EC) tuyên bố, EU đưa ra những cam kết mạnh mẽ hơn để xây dựng một khu vực Bắc Cực hòa bình, bền vững và thịnh vượng. EC cũng xác nhận sẽ mở văn phòng đại diện tại Greenland và sử dụng nguồn tài trợ của EU để hỗ trợ bảo vệ biển, thúc đẩy nghiên cứu về tình trạng tan dần của lớp băng vĩnh cửu. Theo Ủy viên Phụ trách môi trường, đại dương và nghề cá châu Âu Virginijus Sinkevicius, EU sẽ tìm kiếm cam kết từ các đối tác để đạt được sự đồng thuận về chấm dứt hoạt động khai thác dầu mỏ, khí đốt và than đá tại Bắc Cực. Ông Virginijus Sinkevicius cho rằng, việc thuyết phục các quốc gia khác theo đuổi lệnh cấm khai thác các mỏ nhiên liệu hóa thạch mới ở Bắc Cực sẽ đòi hỏi nhiều nỗ lực ngoại giao; bởi vậy, EU chọn theo đuổi chính sách ngoại giao xanh, nỗ lực đi đầu trong giải quyết các thách thức từ tình trạng biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường ở khu vực này. 

Bắc Cực đang ấm lên nhanh hơn ba lần so với phần còn lại của hành tinh. Tình trạng tan dần của lớp băng vĩnh cửu càng làm đẩy nhanh tốc độ biến đổi khí hậu. Theo báo cáo của Chương trình giám sát và đánh giá Bắc Cực (AMAP), trong vòng chưa tới 50 năm, từ năm 1971 đến 2019, nhiệt độ trung bình hằng năm ở Bắc Cực đã tăng 3,10C, so với mức tăng 10C của Trái đất. Theo các nhà nghiên cứu, nếu nhiệt độ Trái đất tăng ở mức 20C thì nguy cơ băng ở Bắc Cực biến mất hoàn toàn vào mùa hè trước khi đóng băng trở lại vào mùa đông cao gấp 10 lần so với trường hợp nhiệt độ Trái đất tăng ở mức 1,50C. Tại Hội nghị cấp bộ trưởng các nước thành viên Hội đồng Bắc Cực, các nước cam kết chống lại sự ấm lên của Trái đất và bảo vệ hòa bình khu vực, trong bối cảnh tầm quan trọng về địa chính trị của khu vực này ngày một gia tăng.

Bắc Cực đang nóng dần lên theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Khu vực này ngày càng được cộng đồng quốc tế quan tâm, nhất là khi giá nhiên liệu thế giới tăng cao và châu Âu đang đứng trước cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng. Các bên ngày càng dành nhiều sự chú ý cho khu vực Bắc Cực, vốn được cho là ẩn chứa khối lượng khổng lồ các tài nguyên thiên nhiên. Trong bối cảnh đó, EU cũng đang tìm cách tăng cường vai trò và tầm ảnh hưởng tại Bắc Cực. Thông cáo mới của EC khẳng định, Bắc Cực có tầm quan trọng chiến lược lớn đối với EU, liên quan đến hàng loạt vấn đề như biến đổi khí hậu, nguyên liệu thô hay ảnh hưởng địa chính trị của khối. Brussels cũng tuyên bố sẽ tăng cường sự tham gia vào khu vực này thông qua hỗ trợ sự phát triển bền vững và toàn diện của Bắc Cực, vì lợi ích của cư dân và các thế hệ tương lai.

Với chiến lược Bắc Cực mới, EU cho thấy khối này đang từng bước mở rộng tầm nhìn chiến lược sang khu vực Bắc Cực theo hướng đóng góp bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Các chuyên gia nhận định, ngoài chịu tác động từ hiện tượng nóng lên toàn cầu, Bắc Cực cũng đang chịu sức nóng tăng dần từ cuộc cạnh tranh tầm ảnh hưởng giữa các nước tại khu vực giàu tiềm năng này.