Châu Phi chịu nhiều thiệt hại từ cuộc xung đột Ukraine

Cuộc xung đột tại Ukraine tác động đến toàn cầu, nhưng những quốc gia châu Phi phải nhập khẩu lúa mì và dầu mỏ là những "nạn nhân" chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Người dân xếp hàng chờ nhận lương thực cứu trợ tại thị trấn Shire, vùng Tigray, Ethiopia. (Ảnh: Reuters)
Người dân xếp hàng chờ nhận lương thực cứu trợ tại thị trấn Shire, vùng Tigray, Ethiopia. (Ảnh: Reuters)

Đây là nhận định của ông Zemedeneh Negatu, Chủ tịch Fairfax Africa Fund, công ty đầu tư toàn cầu có trụ sở tại Washington (Mỹ).

Theo ông Negatu, cuộc xung đột ở Ukraine có tác động rất lớn và trực tiếp đối với nhiều nước châu Phi vốn phải nhập khẩu lúa mì và các loại lương thực-thực phẩm khác từ Ukraine và Nga.

Ông cho rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ và các đồng minh nhằm vào Nga đang làm giá lương thực tăng cao trên khắp châu Phi, nơi mà giá nhiên liệu và các loại hàng hóa khác cũng đang gia tăng nhanh chóng.

Cho biết Ukraine và Nga là những nhà cung cấp lúa mì chính cho châu Phi, ông Negatu nhận định phần lớn các nền kinh tế châu Phi đang chịu tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng ở Ukraine khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn vì các lệnh trừng phạt.

Theo ông, hiện có nhiều hạn chế trong các giao dịch với Nga, do đó giá cả nhiều mặt hàng, trong đó có lúa mì và thép đã tăng do chuỗi cung ứng từ Nga và Ukraine bị gián đoạn.

Ông Negatu cho biết thêm, cuộc xung đột ở Ukraine cũng gây ra những tác động nghiêm trọng đối với lĩnh vực du lịch, đặc biệt là ở khu vực Bắc Phi.

Theo ông, hoạt động kinh doanh du lịch dọc các bờ biển ở Địa Trung Hải chịu thiệt hại vì du khách Nga không thể đến nghỉ dưỡng do các lệnh trừng phạt.

Trong báo cáo mới nhất, Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) cho biết, Somalia, Benin, Ai Cập, Sudan, Cộng hòa dân chủ Congo, Senegal và Tanzania là những quốc gia châu Phi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng gián đoạn thị trường do các lệnh trừng phạt và xung đột ở Ukraine gây ra.

Tuy nhiên, ông Negatu cho rằng, một số quốc gia xuất khẩu dầu mỏ ở châu Phi lại có thể được hưởng lợi từ việc giá dầu tăng cao.

Theo phân tích mới được công bố của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về tác động của cuộc xung đột ở Ukraine, châu Phi là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất, vì khu vực này nhập khẩu hơn 50% nhu cầu ngũ cốc từ Ukraine và Nga hoặc cả 2 nước.

Tổng cộng có 35 quốc gia ở châu Phi nhập khẩu lương thực và 22 quốc gia nhập khẩu phân bón từ Ukraine, Nga hoặc từ cả 2 nước.

Trong khi đó, một số quốc gia ở Nam Sahara của châu Phi cũng đang phải đối mặt với nguy cơ giá lúa mì tăng cao tới 50-85%, do tác động của cuộc khủng hoảng đối với các lô hàng ngũ cốc.

Do đó, WTO cảnh báo cuộc khủng hoảng hiện nay có khả năng làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực quốc tế, vào thời điểm mà giá lương thực đã ở mức cao trong lịch sử do đại dịch Covid-19 và các yếu tố khác.