Châu Âu siết chặt các biện pháp mạnh nhằm khống chế dịch lan rộng

NDO -

Trước tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến rất phức tạp, nhiều nước châu Âu đã ban hành các biện pháp cứng rắn nhằm giảm thiểu số ca mắc và tử vong vì Covid-19 đang tăng cao ở châu lục này.

Nhân viên y tế vận chuyển bệnh nhân bên ngoài bệnh viện điều trị Covid-19 ở Moscow, Nga, ngày 13/10/2021. (Ảnh: Reuters)
Nhân viên y tế vận chuyển bệnh nhân bên ngoài bệnh viện điều trị Covid-19 ở Moscow, Nga, ngày 13/10/2021. (Ảnh: Reuters)

Ngày 19/10, Chính phủ Nga đề xuất 1 tuần không làm việc, trong khi chính quyền thành phố Moskva cũng công bố quy định bắt buộc làm việc tại nhà đối với những người trên 60 tuổi chưa tiêm vaccine phòng Covid-19.

Phát biểu tại cuộc họp chính phủ, Phó Thủ tướng Tatiana Golikova đề xuất 1 tuần không làm việc từ ngày 30/10 đến 7/11 để ngăn chặn tình trạng lây nhiễm Covid-19 gia tăng. Nga cũng đã đưa ra các biện pháp tương tự trước đó trong đại dịch.

Bà Golikova cho biết, người dân phải xuất trình mã QR trên điện thoại di động, chứng minh đã được tiêm chủng hoặc đã khỏi bệnh để tham dự một số sự kiện công cộng hoặc đến một số cơ sở nhất định.

Các địa phương trên cả nước được khuyến khích tự quyết định xem liệu những đối tượng hưu trí chưa được tiêm phòng có nên tự cách ly hay không, hoặc liệu có nên cho phép người lao động được nghỉ nhiều hơn để khuyến khích họ tiêm phòng hay không, bà nói.

Cùng ngày, Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin công bố áp dụng loạt biện pháp cứng rắn để kiểm soát dịch. Theo đó, những người từ 60 tuổi trở lên sẽ phải làm việc tại nhà trong 4 tháng, tính từ ngày 25/10, trừ khi họ được tiêm phòng hoặc đã khỏi bệnh. Các doanh nghiệp, công sở buộc phải duy trì 30% số nhân viên làm việc từ xa.

Theo ông Sobyanin, số người nhập viện vì bệnh trở nặng đang tăng lên mỗi ngày ở thành phố 12,7 triệu dân. Ông cho biết thêm, điều đáng báo động nhất là tình trạng lây nhiễm ở nhóm người cao tuổi, với những người trên 60 tuổi chiếm 60% số ca bệnh, gần 80% số ca phải thở máy và 86% số ca tử vong.

Các biện pháp trên được đưa ra trong bối cảnh Nga liên tiếp ghi nhận mức cao mới về số ca mắc và ca tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 1.015 ca tử vong liên quan, con số cao nhất trong một ngày kể từ khi đại dịch bùng phát, cùng với đó là 33.740 ca nhiễm mới.

Bộ trưởng Y tế Bulgaria ngày 19/10 cho biết, nước này sẽ áp dụng yêu cầu bắt buộc xuất trình "thẻ xanh" chứng nhận đã tiêm phòng Covid-19 để đến các nhà hàng, rạp chiếu phim, phòng tập thể dục và trung tâm mua sắm, trong bối cảnh quốc gia này đang đối mặt với sự gia tăng mạnh các ca nhiễm mới.

Châu Âu xiết chặt các biện pháp mạnh nhằm khống chế dịch lan rộng -0
Tiêm vaccine ngừa Covid-19 ở làng Krushovitsa, Sofia, Bulgaria, ngày 10/10/2021. (Ảnh: Reuters) 

Theo đó, kể từ ngày 21/10, người dân muốn đến các không gian công cộng trong nhà bao gồm quán cà phê, khách sạn, phòng hòa nhạc, bảo tàng và hồ bơi phải xuất trình “thẻ xanh”, Bộ trưởng Y tế Stoicho Katsarov nói với các phóng viên.

"Số ca nhiễm mới và tử vong đang tăng lên. Điều đó buộc chúng tôi phải áp dụng các biện pháp bổ sung. Tất cả các hoạt động trong nhà nên được thực hiện với thẻ xanh", ông Katsarov kêu gọi người dân Bulgaria còn do dự hãy đi tiêm chủng.

Bulgaria là quốc gia có tỷ lệ tiêm ngừa Covid-19 thấp nhất trong khi ghi nhận tỷ lệ tử vong cao nhất trong khối EU trong hai tuần qua.

Mới chỉ 25% trong tổng dân số bảy triệu người của Bulgaria đã tiêm ít nhất 1 liều vaccine ngừa Covid-19, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của EU là gần 80%.

Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 4.979 ca nhiễm mới, con số cao nhất kể từ cuối tháng 3, cùng 214 ca tử vong.

Ông Katsarov cũng cho biết, tất cả nhân viên y tế và nhân viên chăm sóc sức khỏe tại nhà đều phải xuất trình “thẻ xanh” để làm việc. Yêu cầu này không bắt buộc đối với giáo viên, nhưng các trường học ở những nơi có tỷ lệ mắc hơn 750 ca trên 100 nghìn dân sẽ phải chuyển sang học trực tuyến.

Theo ông Katsarov, việc không kiềm chế được sự lây lan của dịch bệnh có thể dẫn đến các biện pháp hạn chế cứng rắn hơn và thậm chí là phải áp dụng lệnh phong tỏa.

Ireland sẽ cho phép các quán bar mở cửa trở lại lần đầu tiên kể từ tháng 3/2020, nhưng quyết định hoãn kế hoạch dỡ bỏ gần như tất cả các hạn chế phòng dịch, trong bối cảnh các nhiễm vẫn tăng dù tỷ lệ tiêm phòng cao.

Sau khi áp dụng một trong những lệnh phong tỏa cứng rắn nhất châu Âu, Chính phủ Ireland dự kiến sẽ dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế trong tuần này, bao gồm yêu cầu về giãn cách và xuất trình chứng nhận tiêm phòng khi đến các quán bar và nhà hàng.

Nhưng thay vào đó, các biện pháp này sẽ được gia hạn cho đến tháng 2 năm sau, cũng như yêu cầu các quán bar và nhà hàng chỉ phục vụ tại bàn và khách phải đeo khẩu trang trừ khi ăn, uống và khiêu vũ.

Ireland là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới với 92% người trưởng thành đã hoàn thành tiêm ngừa Covid-19, song đây cũng là một trong những quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất ở châu Âu, với hơn 400 ca mắc trên 100 nghìn người trong 14 ngày qua.

Với số ca nhập viện đang tăng lên, mặc dù vẫn còn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh dịch, Chính phủ Ireland cũng đã phê duyệt việc mở rộng chiến dịch tiêm chủng tăng cường cho người từ 60 tuổi trở lên.

Châu Âu xiết chặt các biện pháp mạnh nhằm khống chế dịch lan rộng -0
Đồ họa: TRUNG HƯNG 

Anh, Bộ trưởng Y tế Sajid Javid hôm qua cho biết, dịch vụ đặt chỗ tiêm vaccine Covid-19 quốc gia sẽ được mở cho trẻ 12 và 15 tuổi, nhằm tăng tỷ lệ tiêm phòng ở trẻ em trong bối cảnh lo ngại về sự gia tăng các ca bệnh ở nhóm này.

Sự lây lan dịch ở trẻ em tại Anh là nguyên nhân khiến số ca mắc mới gia tăng gần đây trên toàn quốc, đồng thời khiến nhiều nhà khoa học quan ngại về tiến độ chậm trễ trong việc triển khai tiêm vaccine tại các trường học.

Số ca mắc Covid-19 tại Anh nhìn chung hiện cao hơn nhiều so với các nước châu Âu khác và đang ngày một tăng lên. Một cuộc khảo sát được công bố hồi tuần trước cho thấy, tỷ lệ lây lan ở mức cao nhất kể từ tháng 1/2021, với 8% số học sinh trung học sơ sở mắc bệnh.

Theo dữ liệu chính thức công bố ngày 19/10, Anh ghi nhận 223 trường hợp tử vong trong vòng 28 ngày sau khi xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, con số cao nhất kể từ tháng 3.

Châu Âu xiết chặt các biện pháp mạnh nhằm khống chế dịch lan rộng -0
Đồ họa: TRUNG HƯNG 

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 7 giờ sáng 20/10 (giờ Việt Nam), châu Âu đã ghi nhận hơn 61,9 triệu ca nhiễm, đứng thứ hai thế giới sau châu Á về số ca nhiễm (78,1 triệu), song lại dẫn đầu về số ca tử vong, với 1.266.691 ca. Tiếp đến là Nam Mỹ với 1.165.102 ca tử vong, châu Á 1.151.869 ca và Bắc Mỹ 1.124.478 ca.

Trong 24 giờ qua, châu Âu cũng chiếm gần một nửa số ca nhiễm và tử vong mới toàn cầu, lần lượt tăng 189.794 ca nhiễm mới và thêm 3.080 ca tử vong, so với 398.023 ca mắc và 6.974 ca tử vong ghi nhận trên toàn thế giới.

Châu Âu xiết chặt các biện pháp mạnh nhằm khống chế dịch lan rộng -0
Đồ họa: TRUNG HƯNG 

Hiện thế giới đã ghi nhận tổng cộng 242.287.456 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 4.928.020 ca tử vong. Số người bình phục tính đến nay là 219.606.825 ca.

Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi đại dịch, ghi nhận nhiều ca nhiễm và tử vong nhất, hiện lần lượt là 45.979.800 ca nhiễm và 748.477 ca tử vong. Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong (603.902 ca), trong khi Ấn Độ đứng thứ hai thế giới về số ca nhiễm (34.108.323 ca).

Thế giới bước vào làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới