CDC Mỹ chấp thuận tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi

NDO -

Ngày 2/11, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã đồng ý tiêm rộng rãi vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer/BioNTech cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi, với việc triển khai có thể được tiến hành sớm nhất ngay hôm nay.

Vaccine ngừa Covid-19 dành cho trẻ em của Pfizer/BioNTech. (Ảnh: Reuters)
Vaccine ngừa Covid-19 dành cho trẻ em của Pfizer/BioNTech. (Ảnh: Reuters)

Thông báo trên được đưa ra chỉ vài giờ sau khi các cố vấn khoa học của CDC nhất trí ủng hộ động thái này, khẳng định rằng lợi ích của việc tiêm vaccine cho trẻ vượt trội so với rủi ro. Phần lớn cuộc thảo luận của ủy ban cố vấn CDC xoay quanh rủi ro hiếm gặp của bệnh viêm tim có liên quan đến vaccine, đặc biệt là ở nam giới trẻ tuổi.

Trước đó, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi hôm thứ sáu tuần trước, cho phép tiêm liều 10 microgram vaccine Pfizer cho trẻ nhỏ. Trong khi liều lượng được tiêm cho người từ 12 tuổi trở lên là 30 microgam.

Giám đốc CDC, bà Rochelle Walensky cho biết, với quyết định này, sẽ có thêm khoảng 28 triệu trẻ em Mỹ được tiêm vaccine Covid-19. Bà cũng thông tin, số ca nhập viện ở trẻ em đã tăng lên trong làn sóng lây nhiễm do biến thể Delta gây ra; đồng thời khẳng định nguy cơ từ Covid-19 “là quá cao và tàn khốc” đối với trẻ em và cao hơn nhiều so với nhiều bệnh khác mà trẻ đang được tiêm chủng.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh, động thái này là một bước ngoặt trong cuộc chiến chống lại Covid-19.

“Chương trình tiêm chủng sẽ được đẩy mạnh trong những ngày tới, với đợt cao điểm diễn ra trong tuần bắt đầu từ ngày 8/11. Các phụ huynh có thể đưa con em mình đến hàng nghìn hiệu thuốc, văn phòng bác sĩ nhi khoa, trường học và các địa điểm khác để tiêm chủng”, Tổng thống Biden cho biết trong một tuyên bố.

Theo báo cáo của CDC, cứ một triệu mũi vaccine được tiêm có thể ngăn ngừa từ 80 đến 226 trường hợp nhập viện ở trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Sau khi được cấp phép, khoảng 28 triệu trẻ em Mỹ sẽ đủ điều kiện để tiêm.

Pfizer và BioNTech cho biết vaccine của hãng có hiệu quả bảo vệ lên đến 90,7% trong một thử nghiệm lâm sàng trên trẻ em từ 5 đến 11 tuổi.

Chính phủ Mỹ và Pfizer đã bắt đầu phân phối vaccine để chuẩn bị cho việc triển khai rộng rãi tiêm chủng cho trẻ em, trong bối cảnh nhiều trẻ đã trở lại trường học trực tiếp.

CDC Mỹ chấp thuận tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi -0

Khoảng 28 triệu trẻ em Mỹ trong độ tuổi từ 5 đến 11 sẽ được tiêm vaccine ngừa Covid-19. (Ảnh: Reuters) 

Đầu tuần này, Nhà Trắng cho biết, Mỹ có đủ nguồn cung vắc xin Pfizer/BioNTech cho 28 triệu trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Trẻ trong độ tuổi này có thể được tiêm mũi đầu tiên sớm nhất trong ngày hôm nay, trước khi chiến dịch tiêm chủng diện rộng đạt cao điểm vào tuần sau.

Tại Mỹ, khoảng 58% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ, song tỷ lệ trẻ nhỏ được tiêm phòng có thể còn thấp hơn trong bối cảnh mới chỉ khoảng 47% trẻ em Mỹ từ 12 đến 15 tuổi được tiêm ngừa Covid-19.

Cho đến nay, chỉ có một số quốc gia bao gồm Trung Quốc, Cuba và UAE chấp thuận tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ em trong độ tuổi này và nhỏ hơn.

Cùng ngày, Bahrain cũng đã phê duyệt vaccine Pfizer để sử dụng khẩn cấp cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi, bắt đầu từ đầu năm sau.

Quyết định được đưa ra sau nghiên cứu trên 3.100 trẻ em từ 5 đến 11 tuổi được tiêm vaccine cho thấy, hiệu quả bảo vệ lên đến 90,7% ở nhóm tuổi này mà không gặp các phản ứng phụ nghiêm trọng nào, theo Cơ quan Quản lý y tế quốc gia.

Tại Hàn Quốc, Thủ tướng Kim Boo-kyum ngày 2/11 cho biết, khu vực tư nhân nước này có kế hoạch đầu tư 6,3 nghìn tỷ won (5,4 tỷ USD) vào lĩnh vực sản xuất và phân phối vaccine vào năm 2024.

Kế hoạch đầu tư bao gồm khoản chi 4,24 nghìn tỷ won của Samsung BioLogics và 1,5 nghìn tỷ won từ nhà sản xuất dược phẩm Celltrion.

Ông Kim cũng thông tin, chính phủ đã lựa chọn 14 công ty trong chuỗi cung ứng vaccine đủ điều kiện nhận hỗ trợ tài chính 18 tỷ won từ nhà nước, nhằm phát triển ngành công nghiệp này trở thành một trụ cột chính của nền kinh tế.

Động thái này diễn ra sau khi Tổng thống Moon Jae-in hồi tháng 5 công bố kế hoạch về thiết lập một trung tâm sản xuất vaccine tầm cỡ thế giới tại Hàn Quốc với hỗ trợ kỹ thuật từ Mỹ.

Hàn Quốc đã có thỏa thuận sản xuất ba loại vaccine của AstraZeneca, Novavax và Nga, bên cạnh một thỏa thuận đóng lọ vaccine với Moderna.

Trong khi đó, diễn biến dịch bệnh vẫn rất phức tạp ở châu Âu. Ngày 2/11, Ireland ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 cao nhất từ trước đến nay kể từ khi đạt đỉnh hồi tháng 1, mặc dù gần 90% người trưởng thành nước này đã được tiêm chủng.

Theo đó, nước này ghi nhận 3.726 ca mắc trong 24 giờ qua, tăng 70% so với cùng ngày tuần trước. Tỷ lệ mắc trong 14 ngày qua ở Ireland là 695 ca trên 100 nghìn người, tăng 18% so với 7 ngày trước.

Ireland đã dỡ bỏ hầu hết các hạn chế phòng dịch nhưng vẫn duy trì yêu cầu xuất trình giấy chứng nhận tiêm chủng để vào các quán bar và nhà hàng.

CDC Mỹ chấp thuận tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi -0

Yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang khi đến các địa điểm công cộng sẽ được tái áp dụng trở lại ở Hà Lan kể từ ngày 6/11. (Ảnh: Reuters) 

Chính phủ Hà Lan cùng ngày quyết định tái áp dụng trở lại các biện pháp phòng dịch, bao gồm cả việc bắt buộc đeo khẩu trang, nhằm làm chậm sự gia tăng đột biến các nhiễm mới tại nước này.

Thủ tướng Mark Rutte cho biết, kể từ ngày 6/11, việc sử dụng "thẻ xanh" chứng nhận tiêm chủng Covid-19 hoặc xét nghiệm âm tính sẽ được mở rộng khi đến các địa điểm công cộng, bao gồm bảo tàng, phòng tập thể dục và các địa điểm ngoài trời. Khẩu trang sẽ là yêu cầu bắt buộc trong các cửa hàng và những nơi công cộng khác, trong khi người dân được khuyến khích làm việc tại nhà. Vào tuần tới, Chính phủ Hà Lan có thể cân nhắc mở rộng việc sử dụng “thẻ xanh” tại nơi làm việc.

Các ca nhiễm ở Hà Lan đã gia tăng đột biến trong một tháng qua sau khi hầu hết các biện pháp giãn cách xã hội được dỡ bỏ vào cuối tháng 9. Tính đến thứ ba, số ca nhiễm mới đã tăng gần 40% so với tuần trước, lên đến hơn 300 ca nhiễm trên 100 nghìn người, tiệm cận các mốc cao nhất từng ghi nhận vào tháng 7/2021 và tháng 12 và tháng 10 năm ngoái.

Số ca nhập viện cũng tăng 31% trong tuần qua, trong đó hầu hết bệnh nhân không được tiêm chủng.

Cơ quan y tế Hà Lan ngày 2/11 cũng khuyến nghị tiêm liều tăng cường vaccine ngừa Covid-19 cho người từ 60 tuổi trở lên. Khoảng 84% dân số Hà Lan trưởng thành đã được tiêm chủng.

Trong khi đó, Hy Lạp ngày 2/11 cũng ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục, với 6.700 ca mắc mới trong 24 giờ qua, phá vỡ kỷ lục một ngày trước đó là 5.449 ca mắc.

Con số này đã nâng tổng số ca lây nhiễm lên 754.451 ca kể từ khi đại dịch bùng phát vào năm ngoái. Cho đến nay, khoảng 16.050 người đã thiệt mạng vì Covid-19 ở Hy Lạp.

Bộ trưởng Y tế Thanos Plevris cho biết, với tình hình đại dịch ngày càng tồi tệ và mùa đông đang tới gần, cần có nhiều biện pháp hơn để bảo vệ những người chưa được tiêm chủng.

Ông Plevris thông báo, người dân chưa được tiêm chủng sẽ phải xuất trình giấy xét nghiệm âm tính để tiếp cận các dịch vụ nhà nước, ngân hàng, đến các nhà hàng và cửa hàng bán lẻ. Các biện pháp mới sẽ có hiệu lực từ ngày 6/11.

Bộ trưởng cũng khuyến nghị, người lao động chưa tiêm phòng nên xét nghiệm âm tính hai lần một tuần. Hầu hết những người chưa được tiêm chủng ở Hy Lạp hiện phải xuất trình xét nghiệm âm tính mỗi tuần một lần để đến nơi làm việc.

Khoảng 60,5% dân số 11 triệu người của Hy Lạp đã được tiêm chủng đầy đủ, ít hơn mức trung bình của Liên minh châu Âu là 64,7%.

Ông Plevris cũng cho biết, giới chức nước này sẽ sớm gửi thư và tin nhắn văn bản đến điện thoại di động của người dân trong một chiến dịch mới nhằm tăng cường tiêm chủng tại Hy Lạp.

CDC Mỹ chấp thuận tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi -0
Đồ họa: TRUNG HƯNG 

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 9 giờ ngày 3/11 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 248.251.191 ca nhiễm SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, trong đó có 5.027.964 người không qua khỏi. Số bệnh nhân bình phục là 224.935.278 người.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch Covid-19, với 46.994.753 ca nhiễm và 768.739 ca tử vong.

Xét về khu vực, châu Á là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của đại dịch với 79.564.290 ca nhiễm, tiếp đến là châu Âu với 64.920.325 ca và Bắc Mỹ ghi nhận 56.431.918 ca.

Thế giới bước vào làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới