Cam kết chia sẻ vaccine ngừa Covid-19 của các nhà lãnh đạo G7

NDO -

Ngay trước thềm Hội nghị cấp cao G7 tại Anh, hầu hết các nhà lãnh đạo nhóm này đều đưa ra cam kết chia sẻ hàng trăm triệu liều vaccine ngừa Covid-19 để thế giới sớm vượt qua đại dịch.

Lực lượng an ninh bảo vệ Hội nghị cấp cao G7 tại Anh. (Ảnh: Reuters)
Lực lượng an ninh bảo vệ Hội nghị cấp cao G7 tại Anh. (Ảnh: Reuters)

Ngày 10-6, phát biểu từ khu nghỉ dưỡng Vịnh Carbis thuộc hạt Cornwall (Anh), Tổng thống Mỹ Joe Biden cảm ơn các nhà lãnh đạo G7 đã công nhận trách nhiệm của mình trong việc tiêm chủng cho toàn thế giới. 

Ông Biden tuyên bố: "Mỹ sẽ cung cấp nửa tỷ liều vaccine mà không có điều kiện ràng buộc kèm theo". Ông chủ Nhà Trắng khẳng định, Mỹ sẽ là "kho chứa vaccine" trong cuộc chiến chống Covid-19. Ông cũng kêu gọi các quốc gia trên thế giới thực hiện phần việc của mình để giúp chấm dứt đại dịch.

Ông Biden có kế hoạch mua và quyên góp 500 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 Pfizer cho hơn 90 quốc gia. Hãng dược Pfizer của Mỹ và đối tác Đức BioNTech sẽ cung cấp 200 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 trong năm nay và 300 triệu liều tiếp theo trong nửa đầu năm 2022. Sau đó, Mỹ sẽ phân phối vaccine cho 92 quốc gia có thu nhập thấp hơn và Liên minh châu Phi (AU).

Trước khi tham dự Hội nghị cấp cao G7, Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo, nhóm này sẽ cam kết phân phối vaccine để tiêm chủng cho thế giới đến cuối năm 2022, với hàng triệu liều vaccine của Anh.

Ông Johnson tuyên bố Anh sẽ quyên góp ít nhất 100 triệu liều vaccine ngừa Covid-19. Từ nay đến tháng 9, Anh sẽ chia sẻ năm triệu liều cho các nước nghèo nhất. Anh sẽ chia sẻ 25 triệu liều tiếp theo trong những ngày còn lại của năm 2021. Sau đó, nước này sẽ ủng hộ 70 triệu liều còn lại trong năm 2022. 

Cam kết chia sẻ vaccine ngừa Covid-19 của các nhà lãnh đạo G7 -0

Tổng thống Mỹ Biden (phải) gặp Thủ tướng Anh Johnson trước khi dự Hội nghị cấp cao G7 tại Anh. (Ảnh: AP)

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Ursula von der Leyen cho biết, Liên hiệp châu Âu (EU) hướng tới ủng hộ ít nhất 100 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình vào cuối năm 2021. Trong đó, Pháp và Đức mỗi nước ủng hộ 30 triệu liều, Italy quyên góp 15 triệu liều. Pháp cho biết, nước này đã hỗ trợ 184 nghìn liều vaccine của AstraZeneca cho Senegal thông qua chương trình COVAX. 

Nhật Bản cho biết sẽ quyên góp cho COVAX khoảng 30 triệu liều vaccine được sản xuất trong nước. Theo Reuters, Canada đang trong quá trình thảo luận để quyên góp vaccine thông qua cơ chế COVAX.

Trước khi các nhà lãnh đạo đưa ra cam kết nêu trên, COVAX đã nhận được cam kết ủng hộ với khoảng 150 triệu liều vaccine. Với con số này, COVAX vẫn cách xa mục tiêu bảo đảm 250 triệu liều vào tháng 9 và một tỷ liều vào cuối năm nay.

COVAX, chương trình vaccine do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Liên minh Vaccine toàn cầu (GAVI) cùng chịu trách nhiệm, có kế hoạch đến cuối năm 2021 sẽ cung cấp hai tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 cho các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Đến nay, hơn 2,2 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 đã được tiêm trên toàn cầu, trong đó khoảng 560 triệu liều được trao cho các nước thành viên G7 (gồm Đức, Mỹ, Pháp, Italy, Nhật Bản, Canada và Anh). Phần lớn các loại vaccine ngừa Covid-19 được phê duyệt trên thế giới hiện nay là vaccine gồm hai mũi tiêm. 

Cuộc đua vaccine Covid-19