Các nước thành viên WHO nhất trí khởi động đàm phán về "hiệp ước đại dịch"

NDO -

Các quốc gia thành viên Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 28/11 đã đạt được đồng thuận trong việc khởi động tiến trình đàm phán nhằm đi đến một "hiệp ước đại dịch", trong đó đề ra cách thức xử lý trong trường hợp xảy ra khủng hoảng y tế toàn cầu.

Trụ sở của WHO tại Geneva, Thụy Sĩ. (Ảnh: Reuters)
Trụ sở của WHO tại Geneva, Thụy Sĩ. (Ảnh: Reuters)

Theo đó, các quốc gia đã nhất trí thành lập một cơ quan đàm phán liên chính phủ (INB) chịu trách nhiệm soạn thảo và đàm phán về một "hiệp ước" của WHO hay một dạng quy ước khác về phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch. Cơ quan này dự kiến sẽ tổ chức cuộc họp đầu tiên trước ngày 1/3/2022 để bầu ra 2 đồng chủ tịch và 4 phó chủ tịch.

Sau đó, INB sẽ bắt đầu xác định các yếu tố cơ bản trong quy ước quốc tế này, trong đó bao gồm các vấn đề như chia sẻ dữ liệu, giải trình tự gene về các virus mới, cũng như bất kỳ vaccine và thuốc tiềm năng nào và hoàn tất dự thảo trước ngày 1/8 năm sau. INB sẽ trình báo cáo tiến độ của việc đàm phán và soạn thảo tại cuộc họp thường niên của Đại hội đồng Y tế thế giới (WHA) vào năm 2023 và trình kết quả cuối cùng về việc ban hành một hiệp ước hay một công cụ khác để xem xét tại cuộc họp thường niên WHA 2024.

Dự kiến, trong phiên họp đặc biệt của WHA - cơ quan nắm quyền ra quyết định của WHO gồm tất cả 194 quốc gia thành viên - xem xét việc xây dựng một công cụ quốc tế mới về chuẩn bị và ứng phó với đại dịch, diễn ra từ ngày 29/11 đến ngày 1/12 tại Geneva (Thụy Sĩ), các bộ trưởng y tế sẽ chính thức thông qua bản dự thảo dài 3 trang được các nước nhất trí trước đó 1 ngày. 

Trong một tuyên bố, Phái đoàn ngoại giao của Liên minh châu Âu (EU) tại Geneva xác nhận ngày 28/11, các nước thành viên WHO đã nhất trí không chính thức về việc bắt đầu đàm phán về "hiệp ước đại dịch". Theo Phái đoàn ngoại giao EU, diễn biến tình hình dịch bệnh tuần trước cho thấy nhu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết cần sự đoàn kết và lãnh đạo toàn cầu.

Trong dự thảo trên, các nước đã khẳng định sự cần thiết phải giải quyết vấn đề phát triển, phân phối, chia sẻ kịp thời và bình đẳng các biện pháp y tế, trong đó có vaccine, thuốc điều trị và các phương tiện chẩn đoán.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng thường đề cập đến khoảng cách giữa các nước giàu và nghèo trong việc tiếp cận vaccine, xét nghiệm, điều trị và các trang thiết bị phòng chống Covid-19.

Cuộc họp chưa có tiền lệ của WHO diễn ra trong bối cảnh thế giới đang trải qua năm thứ 2 của đại dịch Covid-19 và đang ứng phó với sự xuất hiện của biến thể mới Omicron. Trước những tác động tiêu cực về kinh tế cũng như hàng triệu ca tử vong do mắc Covid-19, ngày càng có nhiều ý kiến kêu gọi cần có một hệ thống phòng ngừa quốc tế đủ mạnh để ngăn chặn đại dịch tương tự trong tương lai.