Các nước châu Phi được chuyển giao công nghệ để tự sản xuất vaccine mRNA

NDO -

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 18/2 thông báo, 6 quốc gia gồm Ai Cập, Kenya, Nigeria, Senegal, Nam Phi và Tunisia sẽ là những nước đầu tiên ở châu Phi được chuyển giao công nghệ mRNA từ Trung tâm mRNA toàn cầu của WHO để tự sản xuất vaccine phòng Covid-19.

Tiêm vaccine ngừa Covid-19 ở Abuja, Nigeria, ngày 5/3/2021. (Ảnh: REUTERS)
Tiêm vaccine ngừa Covid-19 ở Abuja, Nigeria, ngày 5/3/2021. (Ảnh: REUTERS)

Buổi lễ công bố thỏa thuận chuyển giao công nghệ được tổ chức bên lề hội nghị thượng đỉnh giữa Liên minh châu Âu (EU) và Liên minh châu Phi (AU) diễn ra ở Brussels, Bỉ. Dự án chuyển giao công nghệ của WHO nhằm mục tiêu giúp các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình tự sản xuất vaccine mRNA ở quy mô và theo tiêu chuẩn quốc tế.

Được khởi động vào năm ngoái tại Cape Town (Nam Phi), Trung tâm chuyển giao công nghệ mRNA toàn cầu của WHO đã thiết lập dây chuyền sản xuất vaccine mRNA ở quy mô phòng thí nghiệm và đang hướng tới sản xuất thương mại.

Việc đào tạo cho các nước tiếp nhận nói trên sẽ bắt đầu vào tháng 3 năm nay. Theo đó, bên nhận chuyển giao công nghệ mRNA đầu tiên sẽ là nhà sản xuất vaccine Nam Phi, Biovac. Cơ sở này sẽ đi vào sản xuất hàng loạt ngay sau khi đáp ứng các yêu cầu pháp lý và an toàn cần thiết.

mRNA là công nghệ tiên tiến đã được các hãng dược như Pfizer-BioNTech và Moderna áp dụng để sản xuất vaccine ngừa Covid-19.

Trước đó, hồi tháng 6 năm ngoái, WHO đã lựa chọn 1 nhóm gồm các công ty dược phẩm Nam Phi để điều hành trung tâm mRNA toàn cầu đặt tại Nam Phi. Sau đó, công ty Afrigen Biologics đã sử dụng phương pháp bào chế vaccine của Moderna để sản xuất vaccine Covid-19. WHO cho biết, các liều vaccine đầu tiên do Afrigen sản xuất có thể được thông qua vào năm 2024.

Được thành lập chủ yếu để đối phó với các tình huống khẩn cấp liên quan Covid-19, trung tâm chuyển giao này có thể mở rộng năng lực sản xuất các sinh phẩm đáp ứng nhu cầu phòng, chống các dịch bệnh khác như bệnh lao và sốt rét ở châu Phi.

Theo WHO, trung tâm mRNA này không chỉ phục vụ riêng châu Phi mà còn phục vụ các nước khác trên thế giới có nhu cầu. Cho đến nay, hơn 20 quốc gia đã đề nghị được chuyển giao công nghệ từ trung tâm, bao gồm cả Argentina và Brazil.

Nhấn mạnh sự cần thiết phải chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho các nước châu Phi, Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, đại dịch đã bộc lộ sự hạn chế và nguy hiểm của việc cung ứng hàng hóa toàn cầu phải phụ thuộc vào một số công ty.

Theo ông Tedros, trong trung và dài hạn, cách tốt nhất để giải quyết các vấn đề khẩn cấp về y tế và đạt được độ bao phủ y tế toàn dân là tăng đáng kể năng lực của tất cả các khu vực trong sản xuất các sản phẩm y tế mà các nước cần.

Phát biểu trong 1 cuộc họp báo bên lề hội nghị thượng đỉnh EU-AU, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho rằng, việc thiếu vaccine được sản xuất ở châu Phi là điều đáng phải quan tâm. Ông Ramaphosa cũng bày tỏ mong muốn Chương trình phân phối vaccine toàn cầu COVAX và Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng GAVI cần đưa ra cam kết mua vaccine sản xuất ngay tại châu Phi, thay vì mua từ các trung tâm ở nước ngoài.

Trong khi đó, Tổng thống Senegal, ông Macky Sall thông tin, mục tiêu của các nước châu Phi là đạt tỷ lệ 60% vaccine được tiêm ở châu Phi cũng là sản phẩm sản xuất ở châu lục này.

Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen, đây là cột mốc quan trọng đánh dấu công nghệ mRNA được xây dựng tại châu Phi, do châu Phi dẫn dắt và thuộc sở hữu của châu Phi, trong đó có sự hỗ trợ của châu Âu.

Người đứng đầu EC cũng cho biết, châu Âu và các đối tác châu Phi sẽ sớm làm việc cùng nhau, và chậm nhất ngay trong mùa xuân năm nay, 2 bên sẽ đưa ra giải pháp để giải quyết bất đồng giữa các quốc gia giàu và nghèo liên quan bảo đảm phân phối công bằng vaccine và phương pháp điều trị Covid-19.

Theo WHO, cho đến nay, mới chỉ có khoảng 11% người dân châu Phi được tiêm chủng đầy đủ kể từ khi khởi động chương trình tiêm ngừa Covid-19 diện rộng vào tháng 2/2021, còn khá xa so với mục tiêu đề ra là đạt 70% vào giữa năm 2022, tức ngang bằng với các nước châu Âu và các khu vực phát triển khác.

Nhiều nước đang phát triển đã kêu gọi từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ (IP) đối với vaccine và phương pháp điều trị Covid-19. Các quốc gia giàu có, bao gồm nhiều thành viên EU cho rằng, các quy định hiện hành cho phép các quốc gia cấp giấy phép cho các công ty sở tại sẽ thúc đẩy sản xuất vaccine hiệu quả hơn. Song Tổng thống Ramaphosa cho biết, các rào cản về quyền sở hữu trí tuệ đã cản trở Nam Phi, và việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ là cần thiết để sản xuất vaccine trở nên đồng đều hơn giữa các quốc gia.

Ông Ramaphosa nói: “Chúng ta đang nói về cuộc sống của hàng triệu, hàng trăm triệu người chứ không phải lợi nhuận của một vài công ty. Mặc dù chúng tôi đánh giá cao các khoản tài trợ, nhưng đây không phải là cách hoặc một cơ chế bền vững để thúc đẩy khả năng phục hồi”.