Bài toán khó về lao động của Đức

Thiếu hụt trầm trọng lực lượng lao động chất lượng cao đang là vấn đề khiến chính phủ Đức phải trăn trở. Trong bối cảnh nước Đức đẩy mạnh quy trình sản xuất số hóa hiện đại và thân thiện với môi trường, việc làm thế nào để kịp thời bổ sung nguồn nhân lực trẻ, trình độ cao cho các ngành nghề thật sự là “bài toán hóc búa” đối với giới chức quốc gia này.

Nhu cầu tuyển dụng nhân sự gia tăng khi các nhà hàng ở Đức mở cửa trở lại. Ảnh: BLOOMBERG
Nhu cầu tuyển dụng nhân sự gia tăng khi các nhà hàng ở Đức mở cửa trở lại. Ảnh: BLOOMBERG

Theo một báo cáo mới đây của Viện Kinh tế Đức (IW), nhu cầu tuyển dụng lao động trình độ cao, nhất là tại những doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ, đang tăng lên nhanh chóng. Cụ thể, các doanh nghiệp ở Đức cần tuyển khoảng 360.000 người lao động trong những lĩnh vực cần nhân lực trình độ cao, như toán học, công nghệ, khoa học tự nhiên, công nghệ thông tin... Giới chuyên gia ước tính, hiện có khoảng 228.000 người lao động đang thất nghiệp tại Đức, song không phải tất cả những người thất nghiệp này đều đáp ứng đủ tiêu chuẩn tuyển dụng của doanh nghiệp. Các chuyên gia cũng cảnh báo, đến năm 2030, ở Đức sẽ có khoảng 330.000 người lao động lành nghề đến tuổi nghỉ hưu, trong khi lực lượng lao động thay thế lại chưa thể đáp ứng nhu cầu của các nhà tuyển dụng. 

Một trong những nguyên nhân chính khiến nhu cầu về lao động trình độ cao gia tăng tại Đức là bởi nền kinh tế này đẩy mạnh phát triển lĩnh vực số hóa và hướng tới đạt được các mục tiêu về khí hậu. Bởi vậy, nhiều doanh nghiệp mong muốn tìm chọn, tuyển dụng lao động trình độ cao, có thể đáp ứng đòi hỏi công việc theo quy trình số hóa hiện đại và thân thiện với môi trường. Theo một nghiên cứu do nhóm nghị sĩ đảng Xanh trong Quốc hội liên bang Đức thực hiện, đến năm 2030, nước Đức cần khoảng 450.000 lao động lành nghề chỉ để đảm nhận các công việc liên quan đến trung hòa khí thải các-bon trong những ngành kinh tế chính. 

Trong bối cảnh Đức và nhiều quốc gia khác tại “lục địa già” nới lỏng lệnh phong tỏa để phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã rục rịch mở cửa hoạt động trở lại. 

Những cuộc khảo sát mới đây ở thủ đô Luân Đôn của Anh và thủ đô Béc-lin của Đức cho thấy, các quán rượu, nhà hàng… khó tuyển chọn nhân viên cho các vị trí trống. Nhiều chủ nhà hàng tại thủ đô Béc-lin chia sẻ, trong thời gian đại dịch hoành hành, những người nhập cư đã rời khỏi Đức, chuyển đến sinh sống tại những quốc gia áp dụng ít lệnh hạn chế hơn và có điều kiện thời tiết tốt hơn. Cũng có ý kiến cho rằng, các nhà hàng, khách sạn… đồng loạt mở cửa trở lại sau đại dịch khiến nhu cầu tuyển dụng tăng vọt, từ đó dẫn đến áp lực cho các nhà tuyển dụng phải giành được nguồn nhân lực tốt.

Tình trạng già hóa dân số đặt nước Đức trước nhiều thách thức. Các chuyên gia ước tính, vào năm 2050, khoảng một phần ba dân số Đức ở độ tuổi từ 65 trở lên. Những năm qua, nhiều biện pháp đã được chính phủ Đức đưa ra nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực, trong đó có cải cách luật nhập cư để thu hút thêm nhiều lao động lành nghề nước ngoài đến Đức làm việc. Theo lãnh đạo Quỹ Bertelsmann Stiftung của Đức, người nhập cư là “chìa khóa” cho một tương lai thành công của  nước Đức. Một cổng thông tin bằng nhiều ngôn ngữ, nhằm cung cấp thông tin toàn diện về cuộc sống cũng như việc làm ở Đức, đã được ra mắt để thu hút người lao động có trình độ, tay nghề cao đến đây. Trong khi đó, IW khuyến nghị, nên cải thiện kỹ năng dạy và học cách sử dụng thiết bị kỹ thuật số tại các trường học trên khắp đất nước. Qua đó, những người trẻ sẽ được trang bị hành trang vững chắc để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng từ các ngành nghề đòi hỏi nguồn nhân lực trình độ cao.