Bài toán cho ngành công nghiệp Nga

NDO -

Sau tình trạng sụt giảm nghiêm trọng tâm lý kinh doanh trong giới doanh nghiệp Nga vào tháng 3/2022, hiện nay, tình hình ít nhiều đã ổn định trở lại. Dù vậy, ngành công nghiệp Nga vẫn đứng trước bài toán với nhiều việc cần làm, trước lo ngại bước vào thời kỳ suy thoái cuối năm nay.

Công nhân làm việc tại một nhà máy ở Nga. (Ảnh: Thanh Thể)
Công nhân làm việc tại một nhà máy ở Nga. (Ảnh: Thanh Thể)

Hoạt động kinh doanh suy giảm

Trung tâm nghiên cứu thị trường thuộc Viện Nghiên cứu thống kê, Trường Kinh tế cao cấp Nga vừa công bố báo cáo về thay đổi trong tâm lý kinh doanh của các doanh nghiệp công nghiệp lớn và vừa ở Nga trong tháng 5/2022. Theo đó, sau cú sốc cách đó 2 tháng do những bất ổn kinh tế toàn cầu và trong nước dẫn đến tâm lý xấu đi, trong tháng 4 và tháng 5/2022, tình hình đã ổn định lại.  

Các chỉ số đặc trưng cho môi trường kinh doanh ngành công nghiệp, gồm “sản lượng-nhu cầu-điều kiện tài chính” cũng chỉ ra rằng, tâm lý kinh doanh tại Nga đã lạc quan hơn đáng kể so lúc ở tâm điểm đại dịch Covid-19, và thậm chí thuận lợi hơn so thời kỳ khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu 2008-2009.

Tuy nhiên, so những giai đoạn có điều kiện kinh tế tương đối thuận lợi gần đây, các chỉ số ở mức thấp hơn. Chỉ số niềm tin kinh doanh trong ngành khai khoáng tháng 5/2022 duy trì xu hướng tiêu cực. Nguyên nhân là các doanh nghiệp Nga giảm kỳ vọng về động lực sản xuất ngắn hạn. Chỉ số niềm tin kinh doanh trong ngành sản xuất, phân phối đều ở mức thấp.

Các công ty công nghiệp lớn của Nga gặp nhiều khó khăn nhất là trong bối cảnh phải nỗ lực chống chọi áp lực từ các lệnh trừng phạt của phương Tây và yêu cầu tái cấu trúc chuỗi cung ứng thiết bị, nguyên vật liệu. Thực tế, một số ngành đã cảm thấy tình hình suy thoái nghiêm trọng.

Thí dụ, trong ngành công nghiệp ô-tô, chỉ số sản xuất công nghiệp loại hình “sản xuất phương tiện cơ giới” trong tháng 4 năm nay so mức cùng kỳ năm 2021 chỉ đạt 38,5%; lượng sản phẩm xuất xưởng của ngành này trong cùng kỳ giảm hơn 60%.

Bài toán cho ngành công nghiệp Ng -0
Bên trong nhà máy sản xuất máy bay của Nga. (Ảnh: Thanh Thể)

Thực tế, theo báo cáo, một số doanh nghiệp cho biết, tình hình kinh doanh xấu đi không đáng kể trong giai đoạn tháng 3 đến tháng 5/2022, song điều này được lý giải là do nhiều công ty vẫn còn nguồn dự trữ thiết bị, linh kiện, nguyên vật liệu nhập khẩu. Tuy nhiên, vào khoảng tháng 8 đến tháng 10 năm nay, dự kiến, một loạt các vấn đề sẽ xuất hiện liên quan việc cung cấp linh kiện, thiết bị, nguyên liệu từ phương Tây. Do đó, các nhà quản lý cần mau chóng đưa ra quyết sách về kế hoạch hoạt động cho ngành công nghiệp nói chung và các doanh nghiệp phụ thuộc nhập khẩu nói riêng.

Theo các chuyên gia, một bài toán không dễ là làm thế nào để giúp ngành công nghiệp Nga thích ứng các điều kiện mới, thông qua tìm kiếm các nguồn hàng nhập khẩu hay thay thế nội địa. Thậm chí, cần phải tính đến việc đơn giản hóa, ưu tiên hóa và thay thế sản xuất. Thí dụ, như sự chuyển đổi trong ngành công nghiệp ô-tô từ tiêu chuẩn khí thải Euro 5 sang Euro 0-2.

Những khó khăn kể trên đã khiến hoạt động kinh doanh tại Nga suy giảm. Theo Cơ quan thống kê Nga, doanh thu vận tải hàng hóa trong tháng 4/2022 so cùng kỳ năm ngoái giảm gần 6%, so tháng 3 giảm 10%. Cung cấp điện, khí đốt và hơi nước trong tháng 4 đã giảm gần 17% so tháng 3. Tổng doanh thu của các tổ chức trong ngành công nghiệp khai thác trong tháng 4 chỉ đạt 74,8% so mức tháng 3.

Yêu cầu thay đổi

Dựa vào các con số trên, cũng như những ý kiến không mấy lạc quan của nhiều lãnh đạo công ty, các chuyên gia dự báo kịch bản ngành công nghiệp Nga có thể bước vào giai đoạn suy thoái vào tháng 10, tháng 11 năm nay. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định, dù khó khăn, song tình hình không mấy nghiêm trọng.

Lịch sử cho thấy, hầu hết các quyết định về kinh tế hiệu quả nhất được đưa ra trong thời kỳ sản xuất suy giảm. Yêu cầu chuyển đổi của nền kinh tế Nga để chống chọi những hạn chế chưa từng có từ phương Tây sẽ buộc các nhà quản lý và doanh nghiệp phải thay đổi mạnh mẽ mô hình phát triển công nghệ, với trọng tâm chuyển đổi nhanh hơn, cũng như phát triển công nghệ của riêng mình.

Cũng theo các chuyên gia, việc tìm ra phương án hữu hiệu thay thế nhập khẩu là không dễ dàng. Quốc gia làm được điều này trong thời gian ngắn là Hàn Quốc. Thành tựu này cần đến nguồn kinh phí khổng lồ, chú trọng xây dựng nền kinh tế tri thức, nâng cao năng lực người dân ở mọi cấp độ, từ quản lý đến vận hành doanh nghiệp, nhân viên. Ngoài ra, cần độ mở của nền kinh tế để thu hút các chuyên gia nước ngoài, tăng mạnh đầu tư vào nguồn nhân lực, giáo dục, y tế và khoa học…

Nền kinh tế Nga được đánh giá có cơ hội để “lặp lại” bước đột phá về công nghệ của Hàn Quốc. Tuy nhiên, trong điều kiện một quốc gia quá rộng lớn như nước Nga, cũng như cơ sở hạ tầng và phân bố lực lượng sản xuất vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục, thì việc thay đổi cơ bản trong 1 hoặc 3 năm là không dễ thực hiện.

Giới chuyên gia nhận định, nước Nga cần liên tục thúc đẩy phát triển công nghệ cao. Tuy nhiên, hướng đi chính của đột phá kỹ thuật không phải là tạo ra các công nghệ của năm 2022 với chu kỳ sản xuất ngắn, mà là các công nghệ sẽ được sử dụng rộng rãi sau năm 2024, để bắt kịp xu hướng phát triển toàn cầu.