Australia dự kiến nới lỏng thêm các biện pháp phòng dịch ở Sydney

NDO -

Sáng 13/10, chính quyền bang New South Wales, Australia thông báo, bang này có thể nới lỏng nhiều hạn chế hơn nữa ở TP Sydney sớm hơn một tuần so với kế hoạch đã định vào ngày 18/10, trong bối cảnh bang đông dân nhất đất nước đang dần chạm mốc mục tiêu tiêm đủ hai liều vaccine ngừa Covid-19 cho 80% dân số.

Các cửa hàng ở Sydney mở cửa trở lại cho khách hàng đã tiêm phòng Covid-19 sau nhiều tháng áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt. (Ảnh: Reuters)
Các cửa hàng ở Sydney mở cửa trở lại cho khách hàng đã tiêm phòng Covid-19 sau nhiều tháng áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt. (Ảnh: Reuters)

New South Wales dự kiến sẽ đạt mốc này vào cuối tuần, sớm hơn dự kiến so với các dự báo. Giới chức địa phương trước đó đã tuyên bố sẽ nới lỏng các hạn chế hơn nữa đối với người dân đã tiêm chủng vào đầu tuần sau khi đạt được tỷ lệ tiêm chủng kể trên.

Thủ hiến bang New South Wales, Dominic Perrottet nói với đài ABC Radio: “Nếu tỷ lệ hoàn thành tiêm chủng đạt 80%, chúng tôi dự kiến sẽ nới lỏng hạn chế bắt đầu vào thứ hai tuần sau. Quyết định chính thức sẽ được công bố vào thứ sáu”.

Theo đó, các cửa hàng, quán rượu và phòng tập gym được phép đón nhiều khách đã được tiêm phòng hơn. Yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi làm việc sẽ được dỡ bỏ, các quán bar được phép mở cửa trở lại để phục vụ khách hàng tại chỗ, trong khi đám cưới sẽ được tổ chức mà không hạn số lượng khách mời.

Trước đó, thành phố hơn 5 triệu dân Sydney đã được dỡ bỏ lệnh phong tỏa kéo dài gần 4 tháng hồi đầu tuần này, sau khi đạt được mục tiêu tiêm chủng 70%. Giới chức bang New South Wales tuyên bố sẽ nới lỏng từng bước các hạn chế còn lại sau khi tỷ lệ tiêm chủng lần lượt đạt 80% và 90%.

Chính quyền bang này cảnh báo số ca nhiễm vẫn sẽ gia tăng khi mở cửa trở lại nhưng cũng đã bác bỏ các cảnh báo của một số chuyên gia y tế rằng các bệnh viện có thể bị quá tải khi số ca nhiễm tăng trong bối cảnh Australia đang theo đuổi chiến lược sống chung với virus.

Số ca nhiễm hàng ngày ở New South Wales đã tăng lên 444 ca trong sáng nay, so với chỉ 360 ca ghi nhận ngày hôm qua, nhưng đây là mức giảm đáng kể so với mức cao kỷ lục kể từ khi đại dịch bùng phát là 1.599 ca hồi đầu tháng 9.

Tương tự, khoảng 400 nghìn cư dân của thủ đô Canberra sẽ được dỡ bỏ lệnh phong tỏa vào thứ sáu khi tỷ lệ tiêm chủng liều đầu tiên tại đây đã đạt 95%, một trong những mức cao nhất tại Australia.

Trong khi đó, nước láng giềng New Zealand sáng nay báo cáo 55 ca nhiễm Covid-19 mới tại cộng đồng, phần lớn ở thành phố lớn nhất nước Auckland, tăng so với 43 ca một ngày trước đó.

Đợt bùng phát mạnh do biến thể Delta gây nên vào giữa tháng 8 đã buộc Chính phủ New Zealand phải đặt Auckland dưới lệnh phong tỏa nghiêm ngặt.

Các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt dự kiến sẽ được nới lỏng sau khi 90% dân số trên 12 tuổi của nước này được tiêm chủng đầy đủ. Hiện mới khoảng 2,49 triệu người, tương đương 59% dân số New Zealand đã tiêm đủ hai liều vaccine phòng Covid-19.

Australia dự kiến nới lỏng thêm các biện pháp phòng dịch ở Sydney -0

Di chuyển bệnh nhân mắc Covid-19 bên ngoài một bệnh viện điều trị Covid-19 ở Moscow, Nga, ngày 6/10/2021. (Ảnh: Reuters) 

Ở châu Âu, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là tại Nga. Trong 24 giờ qua, Nga đã ghi nhận 973 ca tử vong liên quan Covid-19, tiếp tục xô đổ mức cao nhất trong ngày kể từ khi đại dịch bùng phát, cùng với đó là 28.190 ca nhiễm mới.

Trước diễn biến đáng lo ngại của dịch Covid-19, Tổng thống Vladimir Putin đã kêu gọi đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng. Phát biểu trước các tân nghị sĩ ngày 12/10, ông Putin kêu gọi nghị viện tích cực ủng hộ các nỗ lực để tăng tỷ lệ tiêm phòng. Ông khẳng định: "Tiêm phòng sẽ giúp bảo vệ người dân trước nguy cơ lây nhiễm và các triệu chứng nghiêm trọng. Chúng ta cần tăng tốc độ tiêm chủng".

Trước đó, Thủ tướng Mikhail Mishustin cho biết khoảng 1/3 người dân Nga đã được tiêm ngừa Covid-19. Các quan chức nước này cũng bày tỏ lo ngại về tốc độ lây nhiễm và mức độ trở nặng của các ca nhiễm mới.

Bộ trưởng Y tế Mikhail Murashko cho biết, đặc điểm chính của làn sóng lây nhiễm hiện tại ở Nga là số ca bệnh tăng nhanh, cũng như số lượng lớn bệnh nhân trở nặng tiến triển nhanh trong chỉ sau hai hoặc ba ngày mắc bệnh và cần được hồi sức”. Ông Murashko cũng thông tin hiện có 1,1 triệu người Nga đang được điều trị các triệu chứng của bệnh Covid-19.

Australia dự kiến nới lỏng thêm các biện pháp phòng dịch ở Sydney -0
Đồ họa: TRUNG HƯNG

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 9 giờ sáng 13/10 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 239,4 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, với 387.656 ca nhiễm mới ghi nhận trong 24 giờ qua.

Số ca tử vong tính đến nay là trên 4,8 triệu người, trong khi số bệnh nhân bình phục hiện đã lên tới hơn 216,8 triệu người.

Australia dự kiến nới lỏng thêm các biện pháp phòng dịch ở Sydney -0
Đồ họa: TRUNG HƯNG 

Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của dịch Covid-19 với 45,4 triệu ca nhiễm, với hơn 737 nghìn ca tử vong. Xếp thứ hai thế giới về số ca nhiễm là Ấn Độ với 34 triệu ca, trong đó có hơn 451 nghìn ca tử vong. Brazil đứng thứ ba với gần 21,6 triệu ca nhiễm và trên 601 nghìn ca tử vong.

Thế giới bước vào làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới