ASEM chung sức vì sự phát triển bền vững

Trước những chuyển biến nhanh chóng, phức tạp của tình hình khu vực và thế giới, nhất là khi đại dịch Covid-19 đang hoành hành, Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM) tiếp tục phát huy vai trò là cơ chế đối thoại, hợp tác quan trọng và có quy mô lớn nhất giữa châu Á và châu Âu. Là thành viên sáng lập, Việt Nam luôn đồng hành cùng ASEM, chủ động đưa ra những sáng kiến hướng tới ổn định, hòa bình và tăng trưởng bền vững của hai châu lục.

Liên hoan Văn hóa Á-Âu, sự kiện bên lề Hội nghị cấp cao asem lần thứ 13. Ảnh: Bộ Văn hóa và Nghệ thuật Campuchia
Liên hoan Văn hóa Á-Âu, sự kiện bên lề Hội nghị cấp cao asem lần thứ 13. Ảnh: Bộ Văn hóa và Nghệ thuật Campuchia

Kể từ khi chính thức thành lập vào năm 1996, ASEM đã trở thành cơ chế hợp tác liên khu vực có quy mô lớn nhất thế giới, với sự tham gia của 53 thành viên từ hai châu lục Á-Âu. Trải qua quãng thời gian kéo dài một phần tư thế kỷ, ASEM đã và đang khẳng định vai trò quan trọng đối với hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển thịnh vượng tại hai châu lục, đóng góp thiết thực định hình những xu thế lớn và cục diện thế giới trong thế kỷ 21.

Càng trong giai đoạn khó khăn thì tầm quan trọng, vị thế và tiềm năng của một cơ chế hợp tác đa phương có quy mô lớn như ASEM lại càng gia tăng. ASEM giúp gắn kết, mở rộng không gian hợp tác để các thành viên có thêm nguồn sức mạnh vượt qua thách thức từ đại dịch, đồng thời là "ngôi vườn" ươm mầm cho những sáng kiến hợp tác mới mẻ và hiệu quả. Nội hàm hợp tác của ASEM ngày càng được mở rộng, chú trọng vào các mục tiêu phát triển bền vững và ứng phó các thách thức toàn cầu, nâng cao khả năng thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0... ASEM cũng nỗ lực thắt chặt sợi dây kết nối giữa các bên với cách tiếp cận toàn diện cả về hạ tầng, thể chế và con người.

Việc tham gia với tư cách thành viên sáng lập ASEM năm 1996 đánh dấu bước triển khai quan trọng chủ trương đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ của Việt Nam. Trải qua 25 năm đồng hành cùng ASEM, Việt Nam ghi dấu ấn là một thành viên tích cực, năng động và có trách nhiệm, góp phần tạo dựng những dấu mốc quan trọng trong chặng đường phát triển và nâng cao vai trò, vị thế của Diễn đàn. Việt Nam đã đưa ra nhiều đề xuất nhằm giải quyết những vấn đề then chốt của ASEM như mở rộng thành viên, củng cố cơ chế, nâng cao hiệu quả hoạt động, thúc đẩy các Nhóm hợp tác chuyên ngành... Việt Nam được xem là một trong những thành viên tích cực nhất của Diễn đàn, đề xuất 29 sáng kiến và đồng bảo trợ 31 sáng kiến về những lĩnh vực thiết thực với địa phương, doanh nghiệp và người dân, như văn hóa, y tế, giao thông vận tải... Hiện nay, Việt Nam đang tích cực phát huy vai trò trong năm nhóm hợp tác chuyên ngành về quản lý nước, ứng phó thiên tai, đào tạo nghề, giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, kết nối công nghệ.

Với chủ đề "Củng cố chủ nghĩa đa phương vì tăng trưởng chung", Hội nghị cấp cao ASEM lần thứ 13 diễn ra từ ngày 25 đến 26/11 tập trung thảo luận về các nội dung chính như vai trò của ASEM trong thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế-xã hội, các vấn đề của ASEM, khu vực và toàn cầu...

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn từng khẳng định, hợp tác Á-Âu sẽ tiếp tục là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Trong những năm tới, Việt Nam cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ cùng các thành viên ASEM xây dựng quan hệ đối tác Á-Âu năng động và phát triển mạnh mẽ, vì sự thịnh vượng của cả hai châu lục ■

Thu Giang