Ai Cập thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xanh

Với vai trò nước Chủ tịch Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27), Ai Cập cho biết sẽ giữ vị trí trung lập nhằm khuyến khích các nước khác hành động, thực hiện cam kết khí hậu và thúc đẩy các lợi ích của các nước đang phát triển. Bên cạnh việc phối hợp các nước để thúc đẩy các sáng kiến bảo vệ môi trường, Ai Cập đã công bố Chiến lược khí hậu quốc gia 2050 bao gồm các kế hoạch cắt giảm khí thải như một biện pháp nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xanh, bền vững.

Lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời tại một làng ở Ai Cập. (Ảnh ORIENT XXI)
Lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời tại một làng ở Ai Cập. (Ảnh ORIENT XXI)

Ai Cập đã tiếp nhận chức Chủ tịch COP27 từ Anh với cam kết sẽ tìm cách dung hòa giữa các nước phát triển và đang phát triển, vốn đang xung đột trong các vấn đề như lượng khí thải CO2 và tài trợ chống biến đổi khí hậu, nhằm biến các cam kết thành hành động. Ai Cập cho biết đang phối hợp để khởi động khoảng 17 sáng kiến tình nguyện trong các lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm và quản lý nước, với hy vọng khơi dậy ý tưởng và hành động để giúp các nước thực hiện cam kết của mình. Ai Cập cũng đã điều chỉnh mục tiêu cập nhật của mình về giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, còn gọi là đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC). Chiến lược khí hậu quốc gia 2050 mà Ai Cập công bố được coi là cam kết chính trị để ứng phó biến đổi khí hậu. Với nỗ lực tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo và mở rộng các dự án năng lượng mặt trời và năng lượng gió, Ai Cập đang hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm xuất khẩu năng lượng sạch của khu vực trong tương lai.

Chiến lược khí hậu quốc gia 2050 của Ai Cập dựa trên năm trụ cột chính. Trụ cột đầu tiên là đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững và ít phát thải trong các lĩnh vực khác nhau. Trụ cột thứ hai là xây dựng khả năng chống chịu và thích ứng biến đổi khí hậu, tập trung vào việc giảm các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Trụ cột thứ ba của chiến lược là nâng cao năng lực điều hành và quản lý trong các lĩnh vực liên quan biến đổi khí hậu nhằm đạt các mục tiêu chiến lược của đất nước và thu hút thêm nhiều đầu tư vào các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu. Trụ cột thứ tư là cải thiện khả năng bảo đảm nguồn tài chính cho các hoạt động khí hậu và thúc đẩy hoạt động ngân hàng xanh, cũng như các dòng tín dụng xanh trong nước. Trụ cột thứ năm tập trung vào việc đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và nâng cao nhận thức để ứng phó, giảm nhẹ và thích ứng biến đổi khí hậu. Chiến lược này sẽ giúp giải quyết hiệu quả các tác động của biến đổi khí hậu theo cách góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Ai Cập, đạt mục tiêu phát triển bền vững và tăng trưởng kinh tế bền vững, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và hệ sinh thái. Chiến lược cũng nhằm mục tiêu nâng cao vai trò lãnh đạo về biến đổi khí hậu của Ai Cập trên bình diện quốc tế.

Theo Chiến lược khí hậu quốc gia 2050, Ai Cập có kế hoạch đầu tư 211 tỷ USD cho các biện pháp giảm tác động môi trường và 113 tỷ USD cho việc thích ứng biến đổi khí hậu vào năm 2050. Ai Cập đang khuyến khích đầu tư vào các dự án năng lượng xanh, thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng trong khu vực bằng cách đầu tư vào năng lượng tái tạo và các dạng năng lượng sạch khác như hydro. Bộ trưởng Ðiện lực và Năng lượng tái tạo Ai Cập Mohamed Shaker (M.Sa-kê) cho biết, quốc gia Bắc Phi này đặt mục tiêu tăng mạnh tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cán cân năng lượng quốc gia lên mức 42% vào năm 2035. Ai Cập quan tâm phát triển năng lượng tái tạo thông qua một kế hoạch đầy tham vọng nhằm tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo lên khoảng 10.000MW vào năm 2023, đặt ưu tiên giảm lượng khí thải các-bon và tăng tỷ lệ tham gia của khu vực tư nhân vào các dự án "xanh" trong lĩnh vực điện, năng lượng sạch và hydro xanh.