50 năm vun đắp nhịp cầu hợp tác Việt Nam-Thụy Sĩ

Trong suốt chặng đường nửa thế kỷ qua, mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp Việt Nam-Thụy Sĩ đã gặt hái nhiều thành công. Cùng là các quốc gia yêu chuộng hòa bình và là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế, Việt Nam và Thụy Sĩ tiếp tục vun đắp mối quan hệ song phương bền chặt, qua đó đóng góp vào sự ổn định và thịnh vượng chung của thế giới.

Thụy Sĩ hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực xúc tiến xuất khẩu. Ảnh: Bộ Công thương
Thụy Sĩ hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực xúc tiến xuất khẩu. Ảnh: Bộ Công thương

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ song phương, Ðại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Ivo Sieber chia sẻ: "Kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao là thời khắc quan trọng với bất kỳ hai quốc gia nào. Những thành tựu mà Việt Nam và Thụy Sĩ đã đạt được trong nửa thế kỷ qua đã nhấn mạnh sức mạnh của mối quan hệ đối tác này cũng như niềm tin và cam kết cho tương lai". Nửa thế kỷ trước, Việt Nam và Thụy Sĩ thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1971, chính thức mở ra chương đầu tiên trong lịch sử xây dựng nhịp cầu hợp tác song phương. Tuy nhiên, "mối duyên" giữa hai nước đã được khởi nguồn từ thế kỷ 19 khi Việt Nam trở thành điểm đến của nhiều thương gia Thụy Sĩ.

Bất chấp khoảng cách địa lý xa xôi, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Thụy Sĩ ngày càng phát triển, gặt hái những kết quả tích cực trên mọi lĩnh vực, từ chính trị-ngoại giao, kinh tế-thương mại cho đến văn hóa, giáo dục, khoa học-kỹ thuật... Tính đến tháng 5/2021, Thụy Sĩ có 177 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký khoảng 1,9 tỷ USD, đứng thứ 20 trong số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Hợp tác phát triển cũng là một điểm sáng nổi bật của quan hệ hai nước. Các dự án hợp tác phát triển do Thụy Sĩ tài trợ cho Việt Nam đều được triển khai tích cực, đóng góp hiệu quả cho phát triển kinh tế, xã hội và thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ, hướng tới việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

Theo đuổi chính sách đối ngoại trung lập, Thụy Sĩ, quốc gia tươi đẹp, thanh bình ở khu vực Trung Âu, có quan hệ ngoại giao với hầu hết các nước trên thế giới và là nơi đặt trụ sở của nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), những tổ chức đa phương quan trọng mà Việt Nam tham gia.

Là tổ chức chịu trách nhiệm về lĩnh vực y tế toàn cầu, trong hơn bảy thập niên tồn tại và phát triển, WHO đã đạt được những thành tựu to lớn trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe. Ðặt quan hệ hợp tác với Việt Nam từ năm 1976, WHO có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành y tế Việt Nam. Thời gian qua, WHO đã cung cấp vật tư y tế, ưu tiên để Việt Nam tiếp cận nhanh chóng các nguồn vắc-xin, sẵn sàng cử các chuyên gia đến giúp Việt Nam nghiên cứu và sản xuất vắc-xin... Những hành động thiết thực này là minh chứng sinh động cho sự quan tâm, kề vai sát cánh của WHO với Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch đầy gian nan, thử thách. Về phía mình, Việt Nam cũng tích cực tham gia các hội nghị, diễn đàn quốc tế và khu vực về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực y tế như các phiên họp Ðại hội đồng, hội nghị khu vực của WHO... Các nỗ lực và thành công của Việt Nam trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Với WIPO, tổ chức chuyên môn của Liên hợp quốc có mục tiêu thúc đẩy hoạt động bảo hộ sở hữu trí tuệ trên toàn thế giới, Việt Nam cũng xây dựng mối quan hệ hợp tác gắn kết và sâu rộng. WIPO là đối tác đầu tiên và quan trọng nhất của Việt Nam trong hợp tác quốc tế về sở hữu trí tuệ. Kể từ khi Việt Nam gia nhập từ năm 1976 đến nay, WIPO đã dành nhiều sự trợ giúp có ý nghĩa to lớn và góp phần quan trọng vào sự phát triển của hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam.

Vượt qua nhiều thử thách trong chặng đường hợp tác nửa thế kỷ qua, Việt Nam và Thụy Sĩ đã cùng nhau gặt hái nhiều thành tựu và xây dựng nền móng vững chắc cho quan hệ song phương. Ðây là cơ sở để hai nước đoàn kết bước tiếp con đường phía trước, cùng nhau hướng tới tương lai tươi sáng ■

Minh Ngọc