Ý kiến cử tri

Ảnh: Linh Nguyên Khoa.
Ảnh: Linh Nguyên Khoa.

Bảo đảm chặt chẽ, nghiêm minh trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

Với mong muốn công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí ngày càng hiệu quả, cử tri chúng tôi đề nghị Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định pháp luật trong lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Các quy định này cần phải bảo đảm thật chặt chẽ, nghiêm minh. Công tác giám sát của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội cần được tăng cường và tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, thể chế, kiểm soát quyền lực đối với các cơ quan và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong bộ máy nhà nước, góp phần ngăn chặn từ sớm, từ xa các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí...

Cử tri VŨ ĐÌNH THẮNG (Phường Trần Nguyên Hãn, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng)

Cần giám sát các dự án đường cao tốc bắc-nam ngay từ khâu thiết kế, thi công

Báo cáo kinh tế-xã hội trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã nhấn mạnh: Các công trình giao thông trọng điểm quốc gia được khẩn trương triển khai, dự án đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2021-2025 đang được các bộ, ngành, địa phương tập trung tổ chức thực hiện theo đúng kế hoạch tiến độ.

Theo tôi, đây là công trình mang tính động lực cho sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, Quốc hội cần phải xây dựng chương trình giám sát cụ thể, chi tiết đối với tất cả các công trình này, bắt đầu từ khâu thiết kế, thẩm định đến thi công... để bảo đảm chất lượng tốt. Có thể lấy cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi là thí dụ điển hình cho việc thiết kế, thẩm định, thi công có nhiều thiếu sót, sai phạm. Tuyến đường dài chưa đến 140km, chi phí lên đến 34 nghìn tỷ đồng, nhưng chất lượng quá kém, vừa làm xong đã hư hỏng, lún sụt. Sau gần 4 năm đưa vào khai thác giai đoạn I, đến nay nhiều hạng mục vẫn chưa hoàn thành, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lưu thông, sản xuất và đời sống của người dân. Cũng vì thiếu giám sát chặt chẽ, dẫn đến hàng loạt sai phạm nghiêm trọng, hàng chục cán bộ lãnh đạo, quản lý, kỹ sư, nhà thầu đã bị khởi tố, truy tố trước pháp luật...

Cử tri NGUYỄN NGỌC TẦM (37 Đỗ Xuân Cát, Thuận Phước, Hải Châu, Đà Nẵng)

Không để các dự án giao thông trọng điểm chậm tiến độ

Tôi đồng tình cao với Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội được trình tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Thời gian qua, dưới sự điều hành quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ, kinh tế nước ta đang tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ sau hai năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.Cùng với đó, các chính sách an sinh xã hội được triển khai kịp thời đã góp phần giúp người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn, sớm ổn định cuộc sống. Đặc biệt, tôi thấy từ đầu năm 2022 đến nay, các dự án giao thông trọng điểm quốc gia được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn bao giờ hết. Tôi mong muốn Chính phủ tiếp tục có các giải pháp đồng bộ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, đôn đốc, giám sát các chủ đầu tư, địa phương, không để dự án giao thông trọng điểm chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra. Bởi lẽ, hạ tầng giao thông chưa theo kịp sự phát triển là một trong những "điểm nghẽn" mà các tỉnh, thành phố ở khu vực Đông Nam Bộ đã và đang gặp phải.

Cử tri NGUYỄN VĂN TOÀN (Khu phố 4, phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai)

Cần đơn giản hóa thủ tục trong đầu tư công

Tôi ủng hộ quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, nhất là các công trình giao thông trọng điểm, có tính liên kết vùng. Được biết, hiện nay Chính phủ đang tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện tuyến cao tốc Cần Thơ-Cà Mau và trình Quốc hội chủ trương đầu tư tuyến cao tốc trục ngang Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng. Đây là những công trình có nguồn vốn lớn, đi qua nhiều địa phương trong vùng. Khi hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ phát huy hiệu quả to lớn trong phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy, ngoài bố trí đủ nguồn vốn cho các tuyến cao tốc này, Chính phủ cần quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, cụ thể hóa, cá nhân hóa trách nhiệm của chủ đầu tư để có thể xử lý trách nhiệm đối với các công trình chậm trễ, kéo dài, đội vốn, gây thất thoát, lãng phí.

Cử tri TRẦN VĂN LÂM (Khu vực 6, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ)

Đời sống của người dân, sản xuất của doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng

Cử tri chúng tôi rất đồng tình về các giải pháp của Chính phủ điều hành kinh tế vĩ mô trong thời quan qua, giúp nền kinh tế bắt đầu hồi phục sau khi dịch Covid-19 gây thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, kinh tế nước ta hiện nay vẫn đối mặt với những thách thức, nhất là việc kiểm soát lạm phát khi giá xăng, dầu và giá các loại nguyên, vật liệu trong nước tăng mạnh, ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người dân cũng như hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp. Giá lương thực, thực phẩm và một số mặt hàng thiết yếu tăng khiến cuộc sống của những người về hưu chật vật hơn trước. So với năm 2021, cùng với giá xăng, dầu, giá các vật tư sản xuất, như sơn, sắt… cũng đã tăng khoảng 30%. Chi phí đầu vào của doanh nghiệp nhỏ tăng rất cao nhưng không thể bù lỗ hoàn toàn chi phí này, nên ảnh hưởng đến doanh thu, khả năng thua lỗ rất cao.

Chúng tôi mong muốn Chính phủ sớm đưa ra những giải pháp kịp thời, hiệu quả và thực hiện quyết liệt để kiềm chế lạm phát, không để lạm phát vượt quá 4% trong năm 2022 như chỉ tiêu Quốc hội đặt ra. Trong đó, Bộ Công thương và Bộ Tài chính tiếp tục có biện pháp "kìm" giá xăng và giá các nguyên, nhiên, vật liệu để giảm áp lực cho người dân và doanh nghiệp…

Cử tri CAO VĂN THÔNG (Số nhà 46/21, đường Nguyễn Cửu Vân, phường 17, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh)

Cần có ngay các chính sách bình ổn thị trường

Tôi thấy rằng, nền kinh tế của đất nước đã có sự phục hồi sau đại dịch Covid-19, tăng trưởng GDP quý I/2022 đã đạt 5,03%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 và 2021. Thu ngân sách nhà nước bốn tháng đầu năm đạt 657,4 nghìn tỷ đồng, bằng 46,6% dự toán, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, hiện nay sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và người dân còn gặp nhiều khó khăn. Nhất là các chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng, giá nguyên vật liệu đầu vào như xăng dầu, chất dẻo, hóa chất, thức ăn chăn nuôi… tăng cao. Thu ngân sách nhà nước đã tăng 15,4% nhưng thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh lại chỉ tăng 5,4%.

Do đó, đòi hỏi cần theo dõi chặt chẽ thị trường, điều hành, bình ổn giá, chủ động điều hành, phối hợp đồng bộ các chính sách tiền tệ, tài khóa để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Khó khăn là rất lớn, cho nên cử tri chúng tôi mong rằng các cơ quan từ Trung ương đến địa phương cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, giảm phiền hà, tháo gỡ vướng mắc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; đồng thời, tăng cường hỗ trợ về thị trường và nguồn vốn nhằm trợ lực giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, từ đó chăm lo tốt đời sống người lao động, bảo đảm an sinh xã hội.

Cử tri NGUYỄN KIỀU LINH (Phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội)