Xem xét nghiên cứu “bộ tiêu chí” quy đổi giá trị tiết kiệm và lãng phí

NDO -

Đó là một trong những giải pháp cụ thể được các đại biểu Quốc hội đề xuất trong phiên làm việc tại tổ chiều nay, 24/7, về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.

Các đại biểu thảo luận tại tổ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Các đại biểu thảo luận tại tổ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Lãng phí ở khắp mọi nơi

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, báo cáo về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ rất cụ thể, tuy nhiên cần làm rõ thêm một số điểm về các nguyên nhân, vướng mắc, tồn tại để rút kinh nghiệm trong thời gian tới.

“Lãng phí đầu tư công là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm, nhưng trong báo cáo lại chưa đề cập rõ. Cụ thể, báo cáo nói về đầu tư công giải ngân chậm, nhưng lãng phí gây ra là bao nhiêu thì không thống kê được. Tương tự, những dự án không hoàn thành đúng tiến độ thì lãng phí là bao nhiêu, kéo theo các dự án khác thế nào và lãng phí ra sao?”, đại biểu Hoàng Văn Cường đặt câu hỏi.

Đại biểu Hoàng Văn Cường còn chỉ ra rằng, việc quyết định đầu tư dự án không phù hợp, không đem lại hiệu quả cũng gây lãng phí không nhỏ. Bên cạnh đó, tình trạng lãng phí tài sản công cũng là vấn nạn nhức nhối trong nhiều năm nay.

“Nhiều cơ quan, đơn vị chuyển đến trụ sở mới rồi bỏ hoang trụ sở cũ, gây lãng phí vô cùng lớn”, đại biểu từ Thủ đô Hà Nội chỉ rõ.

Đồng tình với ý kiến nêu trên, đại biểu Lê Văn Dũng (Quảng Nam) nhận định, việc các cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đến thực hành tiết kiệm, thậm chí gây lãng phí lớn trên cả nước còn tồn tại ở nhiều địa phương.

“Có cơ quan xây tới 9 tầng, nhưng chỉ sử dụng hết một nửa, còn lại cho người ngoài thuê. Như vậy vừa lãng phí, vừa không đúng với quy định. Hay có đơn vị đầu tư cơ sở vật chất hàng trăm tỷ đồng để phục vụ 5, 6 cán bộ. Thiết nghĩ, nếu triệt để thực hành tiết kiệm, biết đâu một phần số tiền đó có thể đầu tư thêm vào những tuyến đường dân sinh, công trình phúc lợi?”, đại biểu Lê Văn Dũng trăn trở.

Dẫn nhiều thí dụ về tình trạng lãng phí, nhất là trong công tác quản lý tài nguyên đất đai, khoáng sản, đại biểu Dương Văn An (Bình Thuận) nhấn mạnh, những rào cản trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí xuất phát từ các vướng mắc ngay trong cơ chế, chính sách, pháp luật, đơn cử như Luật Đầu tư hiện nay.

“Luật Đầu tư cho phép chủ đầu tư chuẩn bị triển khai trong 2 năm sau khi được giao đất. Sau thời gian này, nếu chủ đầu tư không triển khai thì mới thu hồi đất. Nhưng khi tiến hành thu hồi đất, chủ đầu tư lại có thêm 2 năm xử lý tài sản đã triển khai. Không ít chủ đầu tư đã lợi dụng chính sách này”, đại biểu Dương Văn An nói.

“Có những dự án hàng nghìn tỷ đồng, nhưng chủ đầu tư cố tình chỉ rót vào vài tỷ đồng rồi đưa những dự án con vào hợp đồng để trục lợi. Thực tế, tồn tại nhiều dự án trải qua hàng chục năm vẫn chưa triển khai được vì kiểu “lách luật” này. Đó chính là sự lãng phí rất lớn về tài nguyên đất”, đại biểu từ Bình Thuận nêu rõ.

Nhiều sáng kiến, giải pháp chống lãng phí

Trước những tồn tại, bất cập nêu trên, nhiều đại biểu đã đóng góp các sáng kiến, giải pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, khắc phục tình trạng lãng phí. Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) đã đề xuất thành lập một “bộ tiêu chí” nhằm quy đổi những giá trị cụ thể từ công tác tiết kiệm, chống lãng phí.

Theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông, các giá trị trong “bộ tiêu chí” sẽ trở thành thước đo để so sánh 2 khía cạnh tiết kiệm và lãng phí, từ đó quy trách nhiệm theo các cấp cá nhân, đơn vị, địa phương để đề ra biện pháp khắc phục, xử lý.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) cho rằng, việc tiết kiệm, chống lãng phí cần bám sát các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và phải phù hợp điều kiện thực tế ở mỗi địa phương.

“Các cuộc thanh tra toàn diện về chống lãng phí cần được triển khai toàn diện ở mọi cấp, ngành. Bên cạnh việc xử lý nghiêm những sai phạm, cần có hình thức khen thưởng đối với các đơn vị, địa phương làm tốt công tác tiết kiệm, chống lãng phí”, đại biểu Nguyễn Hải Dũng nêu ý kiến.

“Công tác chống lãng phí cần chia thành “tự chống và giúp người khác chống” với mục đích, động cơ mạnh mẽ, tập trung vào việc nêu gương Đảng viên, người đứng đầu. Ngoài ra, có thể xem xét tích hợp nội dung chống lãng phí vào các cuộc vận động, cuộc thi về thi đua yêu nước”, đại biểu của tỉnh Nam Định gợi mở.

Cũng trong phiên họp tổ, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) thẳng thắn cho rằng, công cuộc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hiện còn rất yếu so với mong đợi của cử tri và nhân dân. Việc tổ chức thực hiện phòng, chống lãng phí chưa tốt, hệ thống pháp luật trong xử lý vi phạm về phòng, chống lãng phí chưa xứng tầm.

“Các thước đo về định lượng, các việc làm gây lãng phí chưa được chỉ rõ. Thí dụ như, việc quy định về chứng chỉ, bằng cấp trong đào tạo nhiều khi rất vô lý, gây lãng phí lớn. Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần phải được nâng cao hơn nữa, bởi tình trạng lãng phí hiện nay chủ yếu là về của công, của chung, của xã hội”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nói.